Trong thời gian này, ghi nhận “kỷ lục” 9 cơn bão tác động đến khu vực miền Trung đã gây thiệt hại lớn tài sản của đất nước và nhân dân. Trong bối cảnh hệ thống chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động “tổng lực” các lực lượng để nhanh chóng cấp điện trở lại cho nhân dân.
Phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”
Ngay từ đầu năm, mưa đá, dông lốc xuất hiện đã báo hiệu một năm thiên tai bất thường. Đến giữa tháng 11/2020, trên cả nước xuất hiện 155 sự kiện thiên tai; trong đó, đã xảy ra 13 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới.
Mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất đá liên tiếp xảy ra đã gây thiệt hại tới hệ thống điện, đặc biệt là lưới điện của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đời sống, sinh hoạt của nhân dân khi bão lũ đi qua và tại vùng ngập lụt lâu ngày.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn cho biết, bão đã làm gẫy đổ khoảng 950 cột điện trung áp, 1.100 cột điện hạ áp, nghiêng 850 cột điện trung áp, 1.300 cột điện hạ áp khu vực lưới điện miền Trung.
Nguyên nhân chính gây gãy đổ cột là do gió mạnh, gió giật (thường lớn hơn 2 cấp) gây ra gãy, đổ cây vào tuyến đường dây. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như: nhiều loại dây không phải dây điện treo trên cùng một cột, kết hợp đi chung cột lưới điện trung hạ áp khi cây ngã, đổ vào; một số cột điện được bàn giao khi tiếp nhận lưới điện nông thôn nhưng chưa có điều kiện thay thế.
Theo ông Ngô Sơn Hải, trước tình thế thiên tai trên, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” các đơn vị trong Tập đoàn đã nhanh chóng hỗ trợ nhau. Ngay sau khi thiên tai đi qua, các đơn vị thuộc Tập đoàn đã tập trung kiểm đếm, huy động tổng hợp nhân lực, vật tư thiết bị, phương tiện hiện có và chủ động thuê các đơn vị xây lắp theo phương án phòng chống thiên tai nhằm kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai.
Các đơn vị không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng nhẹ đã nhanh chóng, kịp thời, liên tục phối hợp, hỗ trợ con người, phương tiện cho các đơn vị bị thiệt hại nặng. Điều này góp phần khôi phục nhanh lưới điện nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong quá trình khôi phục nhằm sớm ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động sản xuất.
Năm 2020, công tác huy động lực lượng từ các đơn vị thể hiện rõ nét từ cơn bão số 5 (15-18/9) đến nay. Cụ thể cơn bão số 5 đã huy động nguồn nhân lực của Công ty Điện lực Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Công ty Dịch vụ Điện lực (DVĐL) miền Trung hỗ trợ cho PC Thừa Thiên Huế trên 110 người và 20 phương tiện các loại.
Ứng phó bão số 9, tập đoàn đã huy động nguồn nhân lực của Công ty Điện lực Đà Nẵng,Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung hỗ trợ cho Công ty Điện lực Quảng Nam hơn 200 người và nhiều phương tiện các loại; Công ty Điện lực Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Đắk Nông, Kon Tum, Đà Nẵng, Công ty DVĐL miền Trung, Công ty Truyền tải Điện 3 đã hỗ trợ PC Quảng Ngãi hơn 300 người và nhiều phương tiện các loại.
Các đơn vị Điện lực cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn góp phần nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại cho các khách hàng. Tại các trung tâm chỉ huy công tác phòng chống thiên tai và điểm cứu hộ cứu nạn đặc biệt nghiêm trọng, đơn vị điện lực hỗ trợ đặt máy phát Diezel (nếu chưa trang bị).
Các đơn vị luôn sẵn sàng phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu và được lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và người dân đánh giá cao nỗ lực của ngành Điện trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua.
Ông Hồ Công, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 cho hay, ngay sau bão số 9, mặc dù đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung củng cố lưới điện nhưng công ty đã huy động 34 cán bộ, công nhân tham gia hỗ trợ Công ty Điện lực Quãng Ngãi nhanh chóng khắc phục lưới điện 110kV sau bão số 9.
Không chủ quan
Với việc huy động tối đa lực lượng trong khắc phục sự cố do thiên tai nên chỉ trong thời gian ngắn khi bão đi qua, ngành điện đã cơ bản khôi phục cấp điện trở lại cho nhân dân, trừ những vùng bị ngập lụt chưa đảm bảo an toàn nên ngành không đóng điện.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, ứng phó và phòng chống thiên tai của EVN được Ban Chỉ đạo đánh giá triển khai đồng bộ, ở nhiều phương diện, được Ban Chỉ đạo đánh giá cao.
Đối với các hồ chứa thủy điện của EVN được kiểm tra đánh giá kỹ càng trước mùa mưa bão, quản lý vận hành đúng theo quy định; việc theo dõi giám sát, quan trắc đập, quan trắc mưa được thực hiện bài bản, sự phối hợp với Ban Chỉ đạo, chính quyền địa phương trong công tác vận hành xả lũ thực hiện nhuần nhuyễn.
Đối với hệ thống quản lý vận hành lưới điện, khi bão lũ xảy ra, EVN huy động các lực lượng trực ban nghiêm túc; chủ động cắt điện đối với khu vực nguy hiểm và khẩn trương phục hồi những tuyến đường dây bị sự cố sau bão, lũ. Cùng đó, huy động lực lượng từ các đơn vị truyền tải đến hỗ trợ các đơn vị phân phối điện và ngoài nhà thầu để nhanh chóng cấp điện trở lại.
“Việc cấp điện nhanh chóng trở lại có ý nghĩa rất quan trọng trong khắc phục hậu quả do thiên tai, đồng thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân sau bão”, ông Trần Quang Hoài đánh giá.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trước các sự kiện thiên tai, các đơn vị thuộc Tập đoàn kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, ...); tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ; tăng cường trực Lãnh đạo, trực xung kích. Các đội xung kích chuẩn bị sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Khi có ảnh hưởng của thiên tai gây sự cố mất điện, ngành điện nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn. Cùng đó, tập trung nguồn lực cả trong và ngoài đơn vị để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để mất điện kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai.
Theo ông Ngô Sơn Hải, để làm tốt công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; trong đó cần đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, không bị ảnh hưởng của thiên tai. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tại địa phương trong việc chặt tỉa cây xanh, xử lý cây ngoài hành lang có khả năng ngã, đổ vào lưới điện gây sự cố. Các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải luôn chủ động, sẵn sàng huy động khi cần.
Bài cuối: Hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt