Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế tại các thị trường chính của Việt Nam, nên bên cạnh những cơ hội lớn, ngành da giày, túi xách Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức. Đây là bài toán đòi hỏi phải được giải quyết từ nhiều phía, không chỉ từ cộng đồng doanh nghiệp.
Bài 1: Cơ hội và thách thức
Sản xuất da giày, túi xách là một trong những ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan đến tháng 6/2020, ngành da giày, túi xách Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 5 ngành xuất khẩu hàng đầu của đất nước. Xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội lớn để ngành da giày, túi xách Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ buộc các doanh nghiệp trong ngành phải nỗ lực thích ứng mới có thể vượt qua được.
Những cơ hội lớn
Khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều thương hiệu lớn của ngành da giày, túi xách thế giới nhận thấy đã đến lúc cần phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để hạn chế tối đa các thiệt hại do dịch bệnh và các khủng hoảng khác tương tự mang lại.
Do vậy, Việt Nam – một trong 10 nước xuất khẩu da giày, túi xách lớn nhất thế giới có cơ hội lớn để tiếp nhận các chuỗi cung ứng này cũng như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng: “Việt Nam đang chiếm lợi thế là điểm đến an toàn và mẫu mực của thế giới. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng cần phải đa dạng hóa, thì đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là không để dịch bệnh xâm nhập vào doanh nghiệp và ta đã thành công”.
Quan điểm này cũng được ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cùng chia sẻ. Theo đó, các nhãn hàng lớn sẽ tính toán giảm vị trí thống lĩnh thị phần thế giới của Trung Quốc từ mức 60-70% xuống còn 45-50%; nâng thị phần của các nước châu Á gồm Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Campuchia lên cân bằng với Trung Quốc. Các nước ở châu Phi và châu Mỹ sẽ chiếm thị phần còn lại, khoảng trên 5%.
Cũng theo ông Kiệt thông tin “qua nghiên cứu một số nhãn hiệu lớn của ngành da giày, túi xách thế giới, mặc dù thị trường chỉ còn khoảng 40 – 50% so với trước đây, nhưng họ vẫn phân bổ khoảng 70% đơn hàng cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Ông Sibojyoti Chatterjee, đại diện của thương hiệu Bata tại Việt Nam cho biết: “Với tình hình hiện tại, Bata có kế hoạch đa dạng hóa từ chiến lược mua hàng từ chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc sang Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đang hoàn thiện chiến lược của mình và chúng tôi rất nóng lòng được làm việc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam”.
Cơ hội lớn thứ hai là từ các FTA thế hệ mới mang lại, trong đó điểm sáng có thể thấy rõ trước mắt là Hiệp định EVFTA.
Liên minh châu Âu (EU), thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, hàng năm nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, nhưng lượng nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong số đó. Do đó, với những cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam vào EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng như da giày, túi xách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Như vậy, khi vượt qua được dịch bệnh COVID-19, với Hiệp định EVFTA được thực thi cùng với các FTA thế hệ mới khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1 năm ngoái) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - có thể ký kết vào tháng 10 tới), các doanh nghiệp da giày, túi xách Việt Nam có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18 nghìn tỷ USD này cũng như khai thác các thị trường lớn khác.
Thách thức cũng không nhỏ
Mặc dù ngành da giày, túi xách Việt Nam có những cơ hội lớn kể trên, nhưng bên cạnh đó vẫn phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Đó là làm sao để tồn tại, vượt qua được đại dịch COVID-19, để từ đó chuẩn bị thế và lực nhanh chóng hồi phục và phát triển sau dịch.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, doanh nghiệp đã bị giảm sút đơn hàng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp”.
Còn theo ông Diệp Thành Kiệt: “Có tồn tại, doanh nghiệp mới có điều kiện để có thể bật dậy một cách mạnh mẽ, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví như một cái lò xo bị nén sẽ có một độ bật mạnh, và tôi tin chắc là sẽ bật được. Còn nếu anh chết thì vô phương cứu chữa”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Kiệt, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thách thức này lớn hơn rất nhiều. Vì “dịch xảy ra ở các thị trường tiêu thụ thì rất nhiều các nhãn hàng yêu cầu phải dừng xuất hàng và giữ hàng lại trong kho, dĩ nhiên họ sẽ nhận lại sau đấy, nhưng trong suốt thời gian đó thì doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính để chịu đựng được hàng tồn kho. Bởi vì dòng vốn sẽ bị tắc, người ta không có điều kiện nhận được khoản thanh toán tiền về, rồi sau đó khi đơn hàng phục hồi thì không đủ tiền để mua nguyên phụ liệu và trả tiền lương” ông Kiệt lý giải.
Theo thống kê của Lefaso, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của ngành đạt 7,4 tỷ USD, chỉ tăng trong quý I và từ tháng 4, sản lượng xuất khẩu của ngành bắt đầu giảm. Trong đó, tháng 6 chỉ bằng khoảng 50% cùng kỳ năm ngoái, khi toàn bộ cửa hàng ở châu Âu và Mỹ đồng loạt đóng cửa, doanh số bán rơi tự do.
Đáng chú ý, FDRA - tổ chức bán lẻ giày dép lớn nhất Hoa Kỳ dự báo nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ sẽ giảm hai con số trong năm 2020. Trang World Footwear dự báo con số này của toàn cầu sẽ giảm ít nhất 22,5 % so với năm 2019, nghĩa là quay trở về mức tiêu thụ của năm 2016. Thậm chí, “một số nhãn hàng lớn còn đưa ra con số dự báo có phần bi quan hơn, lên đến 40%, nghĩa là quay trở về mức tiêu thụ của năm 2014”, ông Kiệt thông tin.
Một thách thức khác là mặc dù xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng mở ra cơ hội lớn, nhưng nó cũng đặt ra thách thức lớn khi Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu chiến lược từ Trung Quốc; nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao có khả năng tiếp nhận những công nghệ mới còn thiếu và yếu; chi phí logistic cao...
Đối với Hiệp định EVFTA, mặc dù khá lạc quan và tự tin khi cho rằng “các doanh nghiệp da giày, túi xách Việt Nam không có vướng mắc gì, do đã có thời gian khá dài, khoảng 6 năm để thực hiện GSP. Và các điều kiện để hưởng EVFTA là gần như là các điều kiện của GSP”, nhưng ông Diệp Thành Kiệt vẫn cho rằng “nếu chúng ta chỉ dừng ở đó, cảm thấy an tâm với việc đáp ứng mọi điều kiện của EVFTA thì chúng ta sẽ không có sự phát triển”.
Theo ông Kiệt, “bài toán đặt ra là phải lấy cơ hội của EVFTA để làm ra sản phẩm có giá trị cao hơn”. Cụ thể là “trước đây, chúng ta làm một đôi giày giá 10 USD, với mức thuế GSP 5% thì chúng ta phải chịu thuế 50 cent. Nhưng với EVFTA cũng đôi giày đó thuế bằng 0, và đôi giày 20 thậm chí 50 USD thuế cũng bằng 0. Do đó, mục tiêu của chúng ta không phải là làm đôi giày 10 USD nữa mà làm sao làm được đôi giày 20, 30 USD hoặc cao hơn nữa. Vì nếu chúng ta không biết tận dụng cơ hội này thì chúng ta cũng chỉ tầm tầm và cũng chỉ hưởng được phần giá trị gia tăng cực kỳ thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Và để làm được việc đó, theo ông Kiệt “thách thức lớn nhất là làm sao phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là sản xuất các nguyên phụ liệu chiến lược”; và để doanh nghiệp có thể sử dụng được nguồn nguyên liệu trong nước “dứt khoát chúng ta phải thiết kế được sản phẩm”.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Vẹn, đại diện của Wallmart tại Việt Nam cũng cho rằng: “Nếu việc này thành công nó sẽ biến ngành da giày, túi xách Việt Nam trở nên khá độc lập so với Trung Quốc hiện nay. Vì không có nhiều ngành của Việt Nam có tiềm năng như vậy”.