Ngành công thương cam kết cung ứng đủ hàng hóa dịp Tết

Thời điểm này, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng với cam kết cung ứng đủ hàng và không tăng giá dịp Tết Nguyên đán.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hầu hết các địa phương và doanh nghiệp, lượng hàng phục vụ Tết được chuẩn bị tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10-15% với chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống...

Ngành công thương cam kết cung ứng đủ hàng hóa dịp Tết. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Theo Vụ Thị trường trong nước, mặc dù con số mới nhất sẽ được Sở Công Thương các địa phương cập nhập vào ngày 31/12 tới nhưng theo thống kê thì tại hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán 2018 đạt hơn 43.000 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã bố trí hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán năm nay với trị giá tương đương 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Tuy nhiên, khả năng cung ứng các mặt hàng này của thành phố trong tháng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn khiêm tốn. Ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng  đủ nhu cầu, còn các mặt hàng khác, Hà Nội chỉ tự đáp ứng được từ 15%- 66% nhu cầu, còn lại phải nhập từ nhiều địa phương khác.

Vì vậy, để đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết, Hà Nội đã tăng cường kết nối giao thương với nhiều địa phương trong cả nước để vừa có thêm nguồn hàng, vừa giúp các địa phương tiêu thụ nông sản, đặc sản an toàn.

Cùng đó, Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức khoảng 10 phiên chợ Việt tại các huyện như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thạch Thất và Đan Phượng và 200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện và một hội chợ hàng Việt tại huyện Ba Vì để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của bà con vùng ngoại thành.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình 10 phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành Hà Nội phải đảm bảo tiêu chí cung ứng hàng chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, giá hợp lý.

Không những thế, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, sản phẩm làng nghề truyền thống.

Đại diện công ty bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, mặc dù chưa đến Tết Nguyên Đán nhưng cách đây 2 tháng đơn vị đã phải lên kế hoạch sản xuất để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài việc đảm bảo hàng hóa cung ứng cho thị trường Hà Nội, đơn vị đã ký kết kết nối cung cầu hàng hóa với một số tỉnh, thành phố phía Bắc nên sản lượng dự kiến tăng lên.

So với các năm trước, giá cả hàng Tết Mậu Tuất 2018 sẽ không biến động nhiều so bởi thị trường bánh kẹo đang cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh sự tham gia đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam thì bánh kẹo nhập khẩu cũng rất nhiều. Đây là thách thức của các doanh nghiệp Việt ngay chính trên sân nhà nhưng cũng là cơ hội cho người tiêu dung lựa chọn hàng hóa giá rẻ chất lượng cao.

Còn theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dự báo sức mua năm nay sẽ tăng đột biến từ đầu tháng 2/2018  do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau 1,5 tháng.

Đón đầu việc tăng trưởng đột biến của nhu cầu tiêu dùng cuối năm, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn vốn chuẩn bị cho Tết 2018 có tổng trị giá hơn 17.812 tỷ đồng.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà phân phối, trong tháng cận Tết và sẽ có nhiều đợt khuyến mãi, tập trung các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... với tổng giá trị khuyến mãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Đồng thời, lưu ý các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điểu chỉnh tăng giá bán trong ba tháng gồm một tháng trước, trong và một tháng sau Tết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cam kết thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm. Các doanh nghiệp sẽ luân phiên thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng ở các mặt hàng Tết.

Trước đó, nhằm đảm bảo hàng hóa cung ứng cho dịp Tết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng, xây dựng kế hoạch phục vụ Tết; triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách cung ứng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều thiệt hại của thiên tai…

Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Uyên Hương (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh tăng lượng hàng bình ổn, kiểm soát giá cả hàng hóa dịp cuối năm
TP Hồ Chí Minh tăng lượng hàng bình ổn, kiểm soát giá cả hàng hóa dịp cuối năm

Để người dân được sử dụng hàng hóa chất lượng cao, đúng giá, ngành công thương TP Hồ Chí Minh đã tăng lượng hàng bình ổn về các khu vực đông dân cư, kiểm soát giá cả hàng ngày tại các siêu thị, chợ truyền thống...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN