Ngân hàng thừa vốn, lãi suất tiếp tục giảm nhưng không phải là ‘cây đũa thần’

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Hệ thống ngân hàng vẫn dư tiền và sẽ giảm thêm lãi suất nhưng chính sách tín dụng “không phải đôi đũa thần" để giải quyết mọi vấn đề.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp mong hấp thụ vốn, có đơn hàng để phục hồi sản xuất. Ảnh: Phan Thu Huyền

Vừa tung gói ưu đãi, vừa giảm lãi vay

Đại diện ngân hàng MSB cho biết: MSB vừa giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp. Cụ thể, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có món vay giải ngân bằng VND tại MSB sẽ được giảm lãi suất đến 1%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Bên cạnh đó, MSB vẫn đang tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các SME tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.

Không chỉ dừng lại ở việc giảm lãi suất, hàng loạt sản phẩm và giải pháp số hóa đáp ứng những nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp như: Mở tài khoản thanh toán online, nộp hồ sơ vay vốn online, chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền quốc tế, bán ngoại tệ, giải ngân trực tuyến, bảo lãnh thư tín dụng (L/C)… cũng được MSB áp dụng nhằm tối đa hóa lợi ích cho doanh nghiệp.

“Nổi bật hiện nay là M.Power - giải pháp cấp tín dụng tín chấp của MSB được số hóa toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp với hạn mức cấp tối đa lên đến 15 tỷ đồng. Người vay có thể chủ động tra cứu hạn mức dự kiến được cấp chỉ trong 60 giây tại website https://vaydoanhnghiep.msb.com.vn; nộp hồ sơ trực tuyến thay vì phải tới quầy; sử dụng chữ ký để xác thực và không cần cung cấp hồ sơ bản giấy; chủ động tra cứu và được cập nhật trạng thái xử lý khoản vay liên tục trên hệ thống online”, đại diện MSB cho biết.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chọn M-Supreme của MSB - Giải pháp cấp tín dụng online toàn diện đến 200 tỷ đồng, tối đa 280% giá trị tài sản bảo đảm với thời hạn vay đến 84 tháng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã có 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi cho vay cho các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lũy kế đến hết ngày 30/6, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ tại ngân hàng.

Giảm lãi suất, nỗ lực cơ cấu nợ

Ông Vũ Công Huân - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn HDC cho biết: Từ đầu năm đến nay, mảng xuất khẩu rất khó khăn. Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm 30 - 35% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhu cầu đơn hàng cũng bị giảm từ 25 - 27%.

“Khó khăn lớn nhất của SME là nguồn vốn để bán được hàng. Vừa rồi, có 3 ngân hàng cấp hạn mức cho chúng tôi khoảng 80 tỷ đồng, trong đó có khoảng 10 tỷ đồng ngân hàng cho vay tín chấp. Ngân hàng sẵn sàng cho vay không có tài sản đảm bảo mà cho vay theo khoản phải thu khách hàng (theo hợp đồng, hóa đơn)”, lãnh đạo HDC cho biết.

Khi ngân hàng cho vay theo hợp đồng, hóa đơn giải quyết ngay cho doanh nghiệp bài toán vốn lưu động phục vụ cho hoạt động, nắm bắt cơ hội kinh doanh. Theo ông Vũ Công Huân, thủ tục cho vay tín chấp cũng đơn giản do doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch. So với giai đoạn trước doanh nghiệp đã được vay lãi giảm từ 1 - 2%/năm. Với biên lợi nhuận của ngành thủy sản, mức lãi suất hiện tại của ngân hàng doanh nghiệp thấy phù hợp.

Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, mức lãi vay hiện nay khoảng 8 - 9% là đã giảm từ 0,5 - 1%/năm so với trước nhưng vẫn là áp lực đối với các doanh nghiệp. Ngoài những doanh nghiệp có đầu ra sản phẩm yếu, không có đơn hàng, không muốn sử dụng vốn thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp e ngại áp lực lãi suất nên chưa dám sử dụng vốn tín dụng để mở rộng kinh doanh.

Lý giải về nguyên nhân của nghịch lý trên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, ngân hàng đang thừa tiền nhưng lại không tìm được người vay phù hợp theo chuẩn mực của Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như chuẩn mực riêng của nội bộ ngân hàng. Vì tại thời điểm này, khi nền kinh tế đang ở trong giai đoạn rủi ro cho vay tăng cao, bởi càng nhiều doanh nghiệp phá sản cùng các cá nhân bị giảm thu nhập hay mất việc làm khiến ngân hàng không thể cho vay một cách “rộng rãi” như trước.

“Tại thời điểm này, những chương trình cho vay tín chấp đang rất hạn chế, phần lớn là vay thế chấp. Các doanh nghiệp khi gặp khó khăn, không còn tài sản để thế chấp cho ngân hàng nên, việc khách hàng doanh nghiệp không đáp ứng được những tiêu chí và điều kiện cho vay của ngân hàng làm trở ngại cho việc tăng trưởng tín dụng cho các TCTD”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thời điểm này, chính sách tiền tệ không phải là giải pháp tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. “Hiện, chính sách tài khóa triển khai rất chậm, thậm chí còn đặt mục tiêu tăng thu. Điều rất quan trọng lúc này là cần phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, phải chi để hỗ trợ, cứu doanh nghiệp lúc này, tiếp đến là cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ. Vì trong nền kinh tế ảm đạm như vậy không thể tận thu, đẩy doanh nghiệp khó chồng khó”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Trao đổi về công tác cung ứng tiền, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Vốn ngân hàng không phải là vốn ngân sách Nhà nước. Do vậy, các ngân hàng luôn cân nhắc và câu hỏi đầu tiên đưa tiền ra là có thu hồi được vốn hay không?

Hiện nay ở Việt Nam thống kê sơ bộ trên 95% doanh nghiệp tại Việt Nam là SME. Trong bối cảnh khó khăn, những SME đã bị tác động rất lớn và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng khó. NHNN đã nhìn thấy vấn đề đó nên đã ban hành 2 thông tư có tính xương sống trong hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng. Trong đó Thông tư 02 cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho phép khách hàng đã chuyển nợ xấu và có thể chuyển nợ xấu nhưng được giữ nguyên nhóm nợ, từ đó mở một cơ hội để những khách hàng đã và sẽ bị chuyển nợ xấu có thể tiếp cận vốn tín dụng, ngân hàng tiếp tục có thể vay.

“Mặc dù chúng tôi nói không hạ chuẩn tín dụng, không hạ chuẩn cho vay nhưng thực tế NHNN và các TCTD đã phải có những biện pháp kỹ thuật để cho những khách hàng khó khăn như thế tiếp tục vay vốn”, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.

Cùng với đó là Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 39 với một loạt các biện pháp, giải pháp đưa ra để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, trong đó một trong những giải pháp rất quan trọng được thị trường rất chờ đợi là tạo thêm một kênh bán hàng tín dụng cho vay qua kênh điện tử. Kênh bán hàng này sẽ rất phù hợp và hỗ trợ cho 2 động lực tăng trưởng kinh tế. Một là tiêu dùng và hai là hỗ trợ doanh nghiệp SME tiết giảm chi phí trong việc tiếp cận vốn vay.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, điều quan trọng hiện nay Việt Nam cần thực thi chính sách thế nào trong bối cảnh tín dụng dư thừa nhưng cầu tín dụng yếu, chất lượng doanh nghiệp bị giảm. Mặc dù NHNN không giảm chuẩn cho vay nhưng chất lượng doanh nghiệp giảm nên phía cung và cầu tín dụng rất khó gặp nhau. Vì vậy, một trong những câu chuyện quan trọng nhất để cung và cầu gặp nhau hiện nay là Nhà nước cần có chính sách để nâng được chuẩn của người đi vay.

“Để làm được việc này, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Quỹ hỗ trợ SEM, liên quan đến các Quỹ bảo lãnh cho các khoản vay của SME, từ đó giúp họ vừa đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn”, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam:
Động lực lớn nhất tạo cầu tín dụng là đầu tư công

Ngân hàng đang thừa nguồn cung nên chủ động tìm kiếm khách hàng và giảm giá. Nhưng nguyên nhân cầu tín dụng yếu do cầu nền kinh tế thực giảm. Thực tế này đòi hỏi phải có biện pháp chính sách thúc đẩy nền kinh tế thực. Cụ thể là tăng nhu cầu hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế. Hiện kinh tế đối ngoại rất khó khăn, xuất nhập khẩu giảm mạnh, phải trông vào thúc đẩy thị trường trong nước mới tăng cầu tín dụng của doanh nghiệp. Từ đó mới thúc đẩy thị trường tín dụng sôi động trở lại. Song, nếu nhìn vào kinh tế thực hiện nay thì động lực lớn nhất tạo cầu tín dụng có lẽ là đầu tư công bởi cầu vốn rất lớn. Tôi cho rằng, chúng ta cần dùng nhiều hơn biện pháp thị trường, gắn nền kinh tế thực với thị trường tài chính, tín dụng.
Theo tôi, mua bán và sáp nhập (M&A) có vai trò quan trọng. Nếu ngân hàng có dịch vụ tư vấn doanh nghiệp khỏe mua lại doanh nghiệp yếu là điều tốt, bởi sẽ tạo nhu cầu tín dụng. Hiện nay ở Việt Nam mảng ngân hàng đầu tư vẫn còn chưa phát triển. Đây là điều các ngân hàng cân nhắc mở rộng thời gian tới. Ngoài ra, các ngân hàng có thể cân nhắc xem xét cho vay dự án có vòng đời dài nhưng có dòng tiền ổn định thay vì phần lớn chỉ cho vay doanh nghiệp ở kỳ hạn 7 năm như hiện tại.

Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Đưa cung - cầu tín dụng xích lại gần nhau
Về Quỹ Phát triển doanh nghiệp SME, thời gian qua, Quỹ có rất nhiều nỗ lực để đưa ra mô hình hoạt động phù hợp, tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp. Hiện Quỹ đang kết hợp cùng các ngân hàng thương mại cho vay qua hình thức uỷ thác, tuy nhiên chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này. Cục Phát triển doanh nghiệp đã có những biện pháp tác động cả về cung và cầu. Cụ thể: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị tài chính, dòng tiền, thiết kế các sổ tay quản trị cho doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện kết nối, tư vấn 1 - 1 với doanh nghiệp giúp họ vay vốn thành công với ngân hàng thương mại (NHTM).

Về phía cầu, Cục đang phối hợp với 12 ngân hàng, quỹ đầu tư để đào tạo cán bộ tín dụng, cán bộ thiết kế sản phẩm, thông qua việc mời các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, giúp cán bộ tín dụng hiểu hơn về các ngành, ngân hàng hiểu hơn về doanh nghiệp và thiết kế sản phẩm phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:
Kích cầu thị trường nội địa

Trong bối cảnh cầu bên ngoài suy giảm, các doanh nghiệp cần coi trọng thị trường trong nước, tập trung kích cầu trong nước để bù đắp thiếu hụt cho các đơn hàng xuất khẩu, cũng như xoay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, cần có sự vào quyết liệt từ phía các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả của Luật Hỗ trợ SME và hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Phát triển SME.

Ông Trần Long – Phó Tổng giám đốc BIDV:
Ngân hàng và doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi ích, hài hòa rủi ro

Các SME đa phần là những doanh nghiệp có sở hữu cá nhân là chính, năng lực quản trị chưa thực sự tốt. Qua quá trình cấp tín dụng của ngân hàng, tôi nhận thấy báo cáo tài chính của SME không đồng nhất. Hơn nữa, một doanh nghiệp có thể vay ở 5 - 7 TCTD khiến ngân hàng hơi “nản lòng” trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bởi lẽ ngân hàng khó khăn trong việc đánh giá dòng tiền của doanh nghiệp. Vì vậy, ngân hàng và doanh nghiệp phải đứng ở góc độ cùng chia sẻ lợi ích, hài hoà rủi ro thì mới đạt được mục tiêu cuối cùng.

Clip chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiến kế các giải pháp để nâng cao hấp thụ vốn cho các doanh nghiệp: 

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Agribank giảm lãi suất cho vay lần thứ 6 trong năm 2023
Agribank giảm lãi suất cho vay lần thứ 6 trong năm 2023

Ngày 30/6/2023, lần thứ 6 Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN