Ngân hàng song hành với doanh nghiệp
Khảo sát 9.556 doanh nghiệp mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: Khó khăn về đơn hàng (59,2%); khó khăn tiếp cận vốn vay (51,1%); thủ tục hành chính rườm rà (45,3%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%)...
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) nhận định, bản chất doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vừa thiếu vốn, vừa yếu về năng lực quản trị, điều hành. Doanh nghiệp muốn vay được tiền, ngân hàng cũng muốn cho vay, nhưng để song hành là bài toán không dễ. Giai đoạn vừa qua có nhiều rủi ro, nên ngân hàng phải siết chặt thủ tục, đánh giá kỹ lưỡng nội tại doanh nghiệp.
Đơn cử, trước đây có doanh nghiệp là Vntower chuyên làm sản xuất cột thép và cột sóng xuất khẩu sang Myanmar, Australia, doanh thu khá tốt, đạt vài chục tỷ đồng/năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã phải ngừng hoạt động. Hiện nay, doanh nghiệp này đổi hướng sang xuất khẩu nông sản, đây là ngành hàng mới đối với Vntower...
Về thủ tục, đại diện Hanoisme cho rằng, ngân hàng cần nới lỏng hơn, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn phát triển phương án sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, quản lý dòng tiền. Thực tế, có 3 nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp có quỹ dự phòng lớn, nhưng giai đoạn COVID-9 đã bỏ ra để phục hồi và giữ được thị trường; doanh nghiệp mất hoàn toàn không còn thị trường và doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, nhưng vẫn giữ được đơn hàng, cần hỗ trợ phục hồi dần.
Về vấn đề này, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cho rằng: Đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tín dụng nhóm SME tăng trưởng khoảng 3%. Thanh khoản hệ thống dư thừa và các Tổ chức tín dụng còn nhiều dư địa cung ứng vốn so với nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng còn thấp so với kỳ vọng do cầu tín dụng giảm và khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế khó khăn.
Đẩy mạnh các gói vay hỗ trợ tiêu dùng
Trong bối cảnh cầu của nền kinh tế đang yếu, theo các chuyên gia kinh tế, NHNN cần có các gói hỗ trợ cho vay tiêu dùng. Hiện nay, các doanh nghiệp phân khúc hàng đồ gia dụng giảm 25% về thị trường, do nhu cầu người dân chỉ mua những đồ thiết yếu.
Để góp phần “sưởi ấm” tổng cầu, Agribank đang dành 15.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho vay tiêu dùng đối với người lao động. Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có nhu cầu vay tiêu dùng như: Mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo, sửa chữa nhà để ở; mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu (tivi, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa); phương tiện đi lại (ô tô, xe máy)...
Lãi suất cho vay của Agribank thấp hơn từ 1,0 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank. Đối với khách hàng chưa sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank, lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1,0%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Mức cho vay đối với khách hàng không có bảo đảm bằng tài sản bằng 36 tháng lương (tối đa không quá 500 triệu đồng)...
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng đã 4 lần giảm lãi suất cho vay, với các mức giảm từ 0,5 - 3,5% tùy theo điều kiện khoản là tổng vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài được giải ngân của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 27,2% kế hoạch năm 2023. vay, điều kiện khách hàng. Lãi suất cho vay bổ sung vốn lưu động cho khách hàng kinh doanh có mức giảm mạnh nhất. Mới đây, ngân hàng quyết định giảm thêm đến 1% cho khách hàng có khoản vay từ ngày 15/6 đến 31/7/2023, áp dụng đồng thời với các chương trình giảm lãi suất khác của VIB. Như vậy, khách hàng vay kinh doanh tại VIB trong thời gian này có thể được hưởng mức lãi suất chỉ từ 7%/năm...
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, NHNN sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng về giảm lãi suất. NHNN sẽ bảo đảm thông suốt thị trường liên ngân hàng, tiếp tục giao hạn mức tín dụng cả năm; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nhưng vẫn luôn đảm bảo không hạ chuẩn tín dụng, bởi hạ chuẩn là đi cùng với rủi ro, bất ổn.
“Hiện nay nợ tiềm ẩn, nguy cơ trở thành nợ xấu ở một số ngân hàng có biểu hiện tăng lên. Câu chuyện nợ xấu là vấn đề luôn phải đặt ra trong đảm bảo an toàn hệ thống. Thời gian tới, NHNN sẽ thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra nắm tình hình về thủ tục, điều kiện của một số ngân hàng, nhằm rà soát những quy định đảm bảo an toàn thì chấp nhận, còn quy định phi lý thì phải cắt bỏ”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ.