Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí vào tối 2/9, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong việc thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ ngày 1/9/2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiêm túc thực hiện đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này với các giải pháp và lộ trình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) và Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Đề án 843).
Trong quá trình xây dựng, triển khai và tổng kết Đề án 254 và Đề án 843, Ngân hàng Nhà nước đánh giá hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng đã góp phần vào kết quả của hoạt động ngân hàng trong thời gian qua.
NHNN lên tiếng về việc thanh tra, giám sát ngân hàng. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể, đó là sự ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững và từng bước được cải thiện; không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngoài tầm kiểm soát của nhà nước; hệ thống các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại một bước cơ bản; hoàn thiện một bước quan trọng khuôn khổ pháp lý về an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu; quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian qua, hoạt động thanh tra, giám sát ngành ngân hàng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể, khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và đồng bộ; khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế.
Cùng với đó, chất lượng, số lượng, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng; hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn chưa đáp ứng được yêu cầu và chuẩn mực quốc tế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn bất cập.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém của ngành ngân hàng nói chung và hoạt động thanh tra, giám sát ngành ngân hàng nói riêng đã được Ngân hàng Nhà nước nhận diện cũng như các khuyết điểm được Thanh tra Chính phủ đề cập trong quá trình thực hiện thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, trên tinh thần đánh giá khách quan, thẳng thắn về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Bộ chính trị Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án (Đề án 1058). Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp và lộ trình được nêu trong Đề án 1058 một cách tích cực, chủ động, trách nhiệm và đúng pháp luật.
Một số giải pháp đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động, cầu thị thực hiện trong quá trình Thanh tra Chính phủ tiến hành hoạt động thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, toàn bộ các giải pháp tại Đề án 1058 đã, đang và sẽ được Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt theo đúng lộ trình, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh, hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng.