Ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài

Tỉnh Kiên Giang đang thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban châu Âu (EC) để loại bỏ hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong ngư dân Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. 

Chú thích ảnh
Bốc xếp sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, các ngành chức năng, đơn vị hữu quan của tỉnh phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát tàu cá trên biển, quản lý tàu cá cập cảng; tổ chức tuyên truyền, vận động chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân chấp hành quy định về thủ tục, giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải sản phẩm thủy sản…

Tại Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), Chi cục thủy sản, Ban quản lý Cảng cá, bến cá Kiên Giang phối hợp với cảnh sát đường thủy, đồn biên phòng Tây Yên (Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang) thực hiện thanh tra, kiểm tra khi tàu cập bến, lên cá; kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn chủ phương tiện, thuyền trưởng ghi chép nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký chuyển tải sản phẩm thủy sản vào bờ, việc lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá...

Các tàu cá ra, vào cửa biển, cửa sông lớn được các đồn, trạm biên phòng kiểm tra hồ sơ, giấy tờ chặt chẽ, đặc biệt chú ý kiểm tra, kiểm soát những tàu cá nằm trong danh sách vi phạm, có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.

Thiếu tá Đặng Hoàng Quân, Phó Đồn Trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Tây Yên cho biết, qua kiểm tra phát hiện những phương tiện vi phạm, trong thẩm quyền sẽ xử lý vi phạm hành chính, nếu vượt thẩm quyền thì lập biên bản vi phạm, tham mưu cho Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Những phương tiện xuất bến ra khơi hoạt động khai thác đánh bắt, nếu thiếu giấy tờ, thiếu trang thiết bị hàng hải theo quy định, đồn biên phòng Tây Yên kiên quyết không cho ra khơi, yêu cầu bà con cho phương tiện quay trở vào khắc phục những lỗi vi phạm, thực hiện đúng các quy định mới cho tàu ra khơi.

Ngay sau khi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, tỉnh Kiên Giang thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động trên vùng biển và ra vào các cảng cá, tập trung kiểm tra hồ sơ chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, an toàn kỹ thuật tàu cá, nhật ký khai thác, trang thiết bị hàng hải, thiết bị giám sát hành trình, văn bằng thuyền trưởng, máy trưởng, danh bạ thuyền viên, ngư cụ, bốc dỡ thủy sản qua cảng… Nhiều tàu cá của ngư dân chấp hành tốt trong hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường.

Ông Võ Thanh Tùng, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ chia sẻ, tàu của ông ra khơi hoạt động, thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ, có đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, lắp đặt và bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá... và khi đánh bắt trở về có giấy tờ, sổ sách hợp lệ trình báo với cơ quan chức năng mới được cập cảng lên hàng. 

Tương tự, anh Nguyễn Văn Bình, Thuyền trưởng tàu cá KG - 95666 TS ở phường An Hòa, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, trước đây tàu ra biển không có ghi nhật ký, nhưng bây giờ bắt buộc thuyền trưởng phải ghi nhật ký.

"Cụ thể là một mẻ lưới được bao nhiêu cá tôm, ngày giờ, vị trí, địa điểm đánh bắt ghi rõ ràng thì khi trở về cảng kiểm tra hợp lệ mới được lên cá. Hiện nay, tàu cá ra khơi đánh bắt, trạm biên phòng kiểm soát chặt chẽ, phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thiết bị hàng hải mới được đi; bắt buộc thuyền trưởng cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá 24/24h”, anh Bình nói.

Tuy nhiên, qua kiểm tra còn khá nhiều tàu cá của ngư dân vi phạm như sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm, hoạt động sai vùng, sai nghề, không có sổ nhật ký khai thác thủy sản, không đăng ký, đăng kiểm, không chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, không lắp đặt thiết bị hành trình…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trong 4 khuyến nghị của EC đối với Việt Nam về chống khai thác bất hợp pháp, tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng kết quả chưa như mong muốn. Qua hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá vẫn còn nhiều chủ tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp đặt nhưng khi hoạt động trên biển thiết bị lại bị tắt hoặc không kết nối. Tàu cá của Kiên Giang vẫn còn vi phạm khai thác không đúng quy định, vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp và bị các nước bắt giữ, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chỉ đạo phải kiểm điểm trách nhiệm, có biện pháp xử lý nghiêm các cơ quan chức năng đã để xảy ra tình trạng nhiều tàu cá chưa đủ điều kiện vẫn ra khơi đánh bắt, vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Đồng thời, phải tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục hữu hiệu, chấm dứt tàu cá ngư dân Kiên Giang vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong ngư dân Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thực hiện nghiêm nghị định này.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Tàu cá đâm tàu cao tốc tại Vân Đồn, 3 hành khách bị thương
Tàu cá đâm tàu cao tốc tại Vân Đồn, 3 hành khách bị thương

Ông Tô Xuân Thao, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, vào khoảng 11 giờ 15 phút ngày 21/7, tại cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn xảy ra vụ va chạm giữa một chiếc tàu cao tốc chở khách và một tàu đánh cá khiến 3 hành khách bị thương nhẹ, tàu khách hư hỏng nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN