Ngăn chặn nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Vĩnh Phúc

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6 hộ của 4 xã thuộc 4 huyện, thành phố là Phúc Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường và Tam Đảo.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt để hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi, thu nhập của nông hộ và nguồn cung thực phẩm cuối năm.

Sau khi phát hiện các ổ dịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tiêu hủy 175 con lợn thịt theo quy trình hướng dẫn; đồng thời, tiêu độc, khử trùng, khoanh vùng, bao vây dập dịch để không lan rộng ra các vùng chăn nuôi khác.
 
Ông Nguyễn Hiệp Khôi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dịch tả lợn châu Phi ở Vĩnh Phúc chủ yếu xuất hiện trong chăn nuôi hộ nhỏ, lẻ và đã được ngành chức năng phát hiện, khống chế kịp thời, không để dịch lây lan trên diện rộng nên cơ bản không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm 2021, đầu năm 2022.
 
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch, tỉnh tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi, mua bán, giết mổ lợn thực hiện "5 không". Tỉnh thực hiện phun 3 đợt khử trùng tiêu độc cho trên 300.000 hộ chăn nuôi; duy trì hoạt động của Trạm chuẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật để kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bệnh, nghi bị bệnh.
 
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ đầu; khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi báo cáo kịp thời với ngành thú y khi có trường hợp lợn mắc bệnh điều trị nhiều ngày nhưng không khỏi hoặc lợn chết; hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, người ra vào chuồng trại.
 
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc, từ nay đến cuối năm 2021, các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn tăng cao. Một số hộ chăn nuôi, thương lái vì chạy theo lợi nhuận khi lợn ốm, bệnh không thực hiện khai báo theo quy định, cố tình bán chạy, giết mổ, vận chuyển đi tiêu thụ lợn bệnh... Đây là nguy cơ làm lây lan  và tái bùng phát dịch.

Ngành chức năng khuyến cáo, người dân chỉ mua lợn, sản phẩm lợn có nguồn gốc rõ ràng, không ăn thịt lợn ốm, chết; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y. Ngành nông nghiệp chủ động cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phương án điều chỉnh, ứng phó kịp thời khi dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn.

Nguyễn Thảo (TTXVN)
Kiểm soát chặt, ngăn chặn các ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát
Kiểm soát chặt, ngăn chặn các ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 231.000 con lợn, chiếm 0,8% tổng đàn lợn hơn 28 triệu con hiện nay, với trọng lượng lợn tiêu hủy khoảng 10.000 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN