Kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm dịch tả lợn châu Phi

Để chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn, khống chế, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra và lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp bách tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển, giết mổ và kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, các đơn vị tổ chức rà soát, thống kê, nắm rõ số lượng các hộ, trang trại chăn nuôi lợn, số lượng từng loại lợn trên địa bàn quản lý, các cơ sở sản xuất lợn giống; phân công lực lượng chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh mới xuất hiện.

Ngoài ra, khi xuất hiện lợn ốm, chết, các địa phương phải lập bản cam kết với hộ chăn nuôi không bán chạy, không vứt xác lợn ra môi trường và thực hiện xử lý đúng quy định phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp báo cáo chậm, giấu dịch.

Các địa phương khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn kiểm soát chặt chẽ việc nhập con giống, tái đàn của các trang trại, hộ chăn nuôi, đặc biệt lợn giống nhập từ tỉnh ngoài vào phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y nơi xuất phát.

Các địa phương thống kê lập danh sách, quản lý tốt các cơ sở giết mổ, đảm bảo 100% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải có kiểm soát của thú y; kiên quyết xóa bỏ các cơ sở thu gom, giết mổ trái phép không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Các ngành chức năng tăng cường thanh kiểm tra; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật thú y trong vận chuyển, giết mổ và kinh doanh sản phẩm từ lợn ở các chợ, cơ sở giết mổ, kể cả các cơ sở thu gom, tập kết, tắm lợn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của nhân dân.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường phối hợp với các ngành liên quan xử lý các trường hợp vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn lưu thông ra, vào và đi qua địa bàn tỉnh, đặc biệt kiểm soát việc vận chuyển lợn giống vào địa bàn tỉnh.

Văn bản cũng nêu rõ, các trạm tăng cường kiểm dịch động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh đồng thời hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông lợn, sản phẩm từ lợn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp…

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, từ ngày 20/9 đến nay, trên địa bàn tỉnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 171 hộ của 59 thôn, 19 xã ở các huyện Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh…Tỉnh buộc phải tiêu hủy 851 con lợn với trọng lượng 55.770 kg.

Để ngăn chặn dịch bệnh không lây lan ra diện rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chuyển đến các địa phương hơn 13.500 lít hoá chất và 13.000 kg vôi bột để vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh.

Theo đó, đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong tuần tiếp theo. Đối với vùng đệm thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/tuần liên tục trong vòng 21 ngày kể từ khi có ổ dịch.

Các địa phương đang có dịch đã thành lập 16 chốt kiểm soát, 3 tổ kiểm soát lưu động để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch theo quy định. Tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của Cục Thú y, bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh.

Khiếu Tư (TTXVN)
Ngăn chặn nguy cơ lan rộng dịch tả lợn châu Phi
Ngăn chặn nguy cơ lan rộng dịch tả lợn châu Phi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình), từ ngày 12/10 đến ngày 21/10, tỉnh Thái Bình đã ghi nhận 3 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 3 xã gồm xã Minh Khai, Thái Hưng (huyện Hưng Hà) và xã Đông Hòa (Thành phố Thái Bình).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN