Nền kinh tế Nga có thể sẽ thiệt hại hàng chục tỷ USD do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Phát biểu ngày 24/11 tại Diễn đàn Kinh tế-tài chính quốc tế ở Moskva, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ước tính mỗi năm, nền kinh tế nước này sẽ thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do các lệnh trừng phạt và mất khoảng 90 tỷ - 100 tỷ USD do giá dầu mỏ giảm mạnh trên thị trường thế giới. Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu mỏ - hàng hóa xuất khẩu chủ chốt của Nga - đã giảm mạnh tới 30%.
Cáo buộc Nga liên quan tới tình hình căng thẳng hiện nay tại miền Đông Ukraine, cụ thể là ngầm ủng hộ lực lượng đòi độc lập tại đây, Mỹ và phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Moskva. Các biện pháp trừng phạt tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu của Nga như năng lượng, quốc phòng và tài chính, khiến kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn, đồng ruble liên tục rớt giá. Tuy nhiên, Nga luôn bác bỏ những cáo buộc trên.
Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tác động đến kinh tế Nga, khiến đồng nội tệ ruble mất giá và sức ép này càng gia tăng trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng Moskva chưa từng và sẽ không bị cô lập trên trường quốc tế, đồng thời bác bỏ nguy cơ về "những hậu quả thảm khốc" đối với nền kinh tế Nga do những biện pháp trừng phạt của phương Tây cộng với giá dầu giảm và đồng nội tệ trượt giá. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định nếu giá năng lượng bị hạ thấp có chủ ý, điều này cũng sẽ tác động đến chính những đối tượng đưa ra lệnh trừng phạt. Khi đó, không thể khẳng định rằng các biện pháp cấm vận, hay giá dầu giảm mạnh hoặc sự mất giá đồng nội tệ chỉ có thể tác động tiêu cực, thậm chí hậu quả thảm khốc cho kinh tế Nga nói riêng.
Liên quan vấn đề này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cáo buộc phương Tây tìm cách thay đổi chế độ ở Moskva thông qua các biện pháp trừng phạt liên quan đến vấn đề Ukraine.
TTXVN/Tin Tức