'Chuyên gia lật đổ' Mỹ: Nga hưởng lợi từ việc mở rộng NATO!

Tân Đại sứ Mỹ tại Moskva John Tefft đã nói rằng, việc NATO mở rộng sẽ giúp duy trì an ninh tại châu Âu. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho châu Âu, Mỹ, mà còn cả Nga.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ Kommersant (Thương nhân) của Nga, ông Tefft bày tỏ: “Sự mở rộng của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giúp tăng cường an ninh ở châu Âu. Châu Âu là người giành phần thắng. Nước Mỹ được lợi. Không chỉ có vậy, theo quan điểm của tôi, Nga cũng có lợi. Tôi không nghĩ rằng NATO gây ra bất kì mối đe dọa nào với Nga”.

Giải thích cho nhận định này, ông Tefft phân tích: Người Nga có thể có cách nghĩ khác. Nhưng sự thực thì NATO là một liên minh phòng thủ. Nhiệm vụ chủ yếu của nó kể từ khi ra đời (năm 1949) là tăng cường an ninh tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Đại sứ Mỹ John Tefft (trái) tại buổi trình Quốc thư lên Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/11. Ảnh: Reuters


Trước quan điểm của Phát ngôn viên Phủ tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng, “cần bảo đảm 100% các nước không nghĩ đến việc Ukraine gia nhập NATO”, Đại sứ Mỹ khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết theo đuổi cam kết mọi quốc gia có chủ quyền được quyền lựa chọn gia nhập các liên minh về chính trị, kinh tế và quân sự. Không một nước nào có quyền phủ quyết điều luật này”.

Liên quan đến tình hình Ukraine, ông Tefft bình luận, theo quan điểm của Mỹ và các đồng minh phương Tây, chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko đã thực thi đúng những gì đã cam kết trong Thỏa thuận Minsk ký kết hôm 5/9. Ngược lại, phía Nga còn “nhiều khoảng trống”, Đại sứ Mỹ nói.

Chuyên gia lật đổ.

Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Tefft bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ Nga – Mỹ, thông qua việc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Thế nhưng, Nga có lý do để không vội tin vào điều này.

John Tefft chính thức đảm nhận cương vị Đại sứ Mỹ tại Nga hôm 5/9 vừa qua. Phía Nga tiếp nhận với ông này thái độ hết sức nghi ngại và cảnh giác. Dư luận Nga nhìn nhận, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm John Tefft làm Đại sứ thể hiện sự thay đổi chính sách của Washington đối với Moskva, từ “cài đặt lại” (Reset) chuyển sang đối đầu.

Tân Đại sứ Mỹ tại Moskva được xem là một nhân vật theo tư tưởng “chống Nga ra mặt” và là người từng đưa ra các tuyên bố chỉ trích kịch liệt nhằm vào Moskva sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga. Đại sứ Mỹ còn được mệnh danh là “chuyên gia lật đổ”, “chuyên gia cách mạng sắc màu”, xuất phát từ những hoạt động can dự mạnh mẽ của ông trong các cuộc chính biến tại  Gruzia và Ukraine. Với hơn 40 năm hoạt động trong ngành ngoại giao, John Tefft được xem là người Mỹ xử lý tốt nhất những “thách thức” tại các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Ông Tefft từng kinh qua cương vị Đại sứ Mỹ tại Gruzia từ 2005 - 2009, cũng là quãng thời gian mà thế giới được chứng kiến “cách mạng hoa hồng”, cuộc “cách mạng sắc màu” đầu tiên trong không gian hậu Xô Viết. Hậu “cách mạng hoa hồng”, Đại sứ Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Mikhail Saakashvili, người thân Mỹ, thân phương Tây và cũng chính ông Đại sứ này là người “hoạch định” chính sách ngoại giao của Mỹ trong sự kiện Nga can thiệp vào Nam Osetia (2008).

Hết nhiệm kì công tác tại Tbilisi, ông Tefft chuyển tới Kiev và đảm nhận vai trò Đại sứ Mỹ tại Ukraine trong quãng thời gian từ năm 2009 - 2013. Đại sứ Mỹ cũng kịp để lại “dấu ấn đậm nét” khi “xông xáo” hỗ trợ phe đối lập tại Ukraine thực hiện “Cách mạng Maidan”, lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Viktor Yanukovych. 


Hoài Thanh (Theo Rin.ru, IMR)

Vũ khí Mỹ không phải là 'lựa chọn thông minh' với Ukraine
Vũ khí Mỹ không phải là 'lựa chọn thông minh' với Ukraine

Nhiều nghị sĩ Quốc hội cùng với một số nhân vật tiếng tăm đều đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng vũ trang cho quân đội Ukraine. Thế nhưng, Mỹ sẽ phạm phải sai lầm lớn nếu viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN