Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết năm 2023 là năm đầu tiên Đồng Nai triển khai đánh giá năng lực điều hành của các sở, ban, ngành địa phương thông qua bộ chỉ số DDCI.
"Quá trình đánh giá công khai, minh bạch, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, thể hiện sự đồng lòng, cùng nhau giám sát để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai", ông Võ Tấn Đức cho biết.
Ông Võ Tấn Đức biểu dương các sở, ngành và địa phương có chỉ số DDCI cao, đồng thời đề nghị các đơn vị có thứ hạng thấp cần nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế, thiếu sót để đề ra những giải pháp khắc phục. Các đơn vị, địa phương cần xác định rõ tầm quan trọng của bộ chỉ số DDCI trong việc thực hiện các nhiệm vụ và phấn đấu thi đua nâng cao chỉ số này trong từng ngành, từng địa phương, vì môi trường đầu tư của tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với địa phương.
Theo VCCI, việc khảo sát DDCI nhằm tạo động lực cạnh tranh và cải cách tại cấp cơ sở thông qua xếp hạng thường niên, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan cùng chính quyền địa phương liên tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong điều hành kinh tế, hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng bền vững.
Kết quả khảo sát DDCI 2023 tỉnh Đồng Nai cho thấy, đối với 22 sở, ban, ngành trên địa bàn, số điểm trung bình đạt 70,87 điểm. Theo đánh giá của VCCI, đây là mức điểm khá cao, phản ánh sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp với các sở ban ngành Đồng Nai. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai là đơn vị đứng đầu, với 87,94 điểm; điểm số này thể hiện nỗ lực của đơn vị trong việc nâng cao chất lượng phục vụ và được các doanh nghiệp ghi nhận.
Đối với khối địa phương, trong số 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom là đơn vị đứng đầu, với 76,51 điểm hài lòng từ doanh nghiệp; qua đó cho thấy chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ công và được các doanh nghiệp ghi nhận.
Trong khi đó, báo cáo của đơn vị thực hiện khảo sát gồm VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai và các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Nai cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều khuyến nghị với mong muốn tỉnh Đồng Nai cải thiện hơn trong việc hỗ trợ và tương tác để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các đơn vị, địa phương cần minh bạch trong thủ tục hành chính, không làm khó và sách nhiễu doanh nghiệp; hỗ trợ nhiệt tình cho doanh nghiệp trồng và xuất khẩu nông sản trên địa bàn về việc xác minh nguồn gốc hàng hóa.
Về khía cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho rằng các đơn vị, địa phương nên phổ biến các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính qua website để doanh nghiệp nắm rõ; tổ chức các buổi làm việc thường kỳ giữa doanh nghiệp và chính quyền để chia sẻ thông tin về các kế hoạch phát triển, nguồn lực và tiến độ thực hiện dự án. Sự minh bạch này sẽ giúp tạo ra một môi trường dự án tích cực và hỗ trợ nhanh chóng khi có vấn đề phát sinh.
Về tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng lãnh đạo các sở, ban, ngành nên tổ chức các kênh tiếp cận như nhóm Facebook, Zalo để đăng tải và tuyên truyền pháp luật chính sách, đặc biệt là về thuế; sự phát triển của xã hội nhanh hơn so với luật nên lãnh đạo thành phố nên chủ động, có những điều chỉnh phù hợp, cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Cũng tại hội nghị, đại diện VCCI công bố "chỉ số xanh cấp tỉnh" - PGI năm 2023 tỉnh Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước, sau tỉnh Quảng Ninh và thành phố Đà Nẵng. Có 3 lĩnh vực Đồng Nai xếp vị trí số 1 cả nước gồm: tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; khối lượng chất thải rắn bình quân 1.000 người đã thu gom và khối lượng chất thải rắn bình quân 1.000 người đã qua xử lý.