Tháo gỡ những vướng mắc
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu dẫn chứng ở lĩnh vực lúa gạo, VCCI Cần Thơ đã ghi nhận những phản ánh khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua. Nổi cộm là tình trạng các mặt hàng lúa gạo có chất lượng không đồng đều, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bởi tình trạng pha trộn nhiều loại gạo kém chất lượng. Tình trạng bán phá giá đã kéo giá sụt giảm từ 500 - 600 USD/tấn xuống còn 450 - 460 USD/tấn.
Thêm vào đó là đầu vào của các sản phẩm nông nghiệp lại thiếu sự quan tâm của cơ quan chức năng nên tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan không kiểm soát được. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng đến thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN |
Việc kiểm tra mẫu trước khi xuất khẩu nhiêu khê, mất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Điều đáng nói là, vùng được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, đóng góp rất lớn vào sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của quốc gia, nhưng đến nay ĐBSCL chưa có công nghệ kiểm tra mẫu chất lượng. Do đó, doanh nghiệp muốn kiểm tra mẫu phải thông qua đơn vị thứ 3, làm gia tăng chi phí. “Thông thường phải gửi qua Thái Lan với chi phí từ 100 - 200 USD/mẫu, thậm chí 1.000 USD”, ông Thành nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp chính là nhanh chóng xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng nông sản, kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại ĐBSCL để vừa giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và góp phần tăng năng lực quản lý của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, ở thị trường trong nước cũng chưa được chú trọng, người tiêu dùng có xu hướng chuộng gạo Thái hơn gạo Việt Nam do hệ thống bán lẻ không chú trọng chất lượng, truy xuất nguồn gốc không bằng Thái Lan. Đồng thời việc áp thuế 5% với gạo trong nước là bất bình đẳng, trong khi nhà phân phối bán gạo lẻ, gạo xuất khẩu là 0%. Ông Dương Văn Chín Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (DTARC) - Tập đoàn Lộc Trời cho rằng: “Đây là một hiện tượng bất bình đẳng. Nhà nước nên xem xét hoặc là bãi bỏ tất cả thuế trong kinh doanh gạo nội địa, hoặc là đánh thuế VAT trên bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào kinh doanh gạo nội địa để tạo sự công bằng trong kinh doanh”.
Còn đối với lĩnh vực chế biến hải sản, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu thường xuyên xảy ra do khai thác kiểu tận diệt. Đồng thời các đại biểu cũng lưu ý đến thương lái Trung Quốc tranh mua nguyên liệu với doanh nghiệp, đẩy giá lên cao cục bộ, làm rối loạn thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, chế tài thích đáng để tránh làm cạn kiệt nguồn lợi của địa phương.
Chủ động hội nhập
Năm 2016 là năm đánh dấu sự chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn suy thoái và phát triển trở lại. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ĐBSCL tương đối ổn định. Tuy nhiên vấn đề nổi bật có tác động đến nền kinh tế qua 6 tháng đầu năm 2016 đó là quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu với các sự kiện quan trọng như: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng với tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra ở một số địa phương ở vùng ĐBSCL… đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, có ý kiến đại biểu nhìn nhận việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP… đã mở ra giai đoạn mới cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL với nhiều cơ hội và cả thách thức. Điều này đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc nắm bắt thông tin về hội nhập còn mờ nhạt.
Đại diện Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Sương, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang, thừa nhận, công ty rất yếu về kiến thức hội nhập. Cụ thể là thiếu thông tin, kết nối và huấn luyện tại chỗ để cung cấp thông tin về luật kinh doanh, nội dung cần biết trong các hiệp định thương mại tự do, thông tin thị trường… “Chúng tôi mong muốn được kết nối thành một mạng lưới để chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để cùng khai thác cơ hội. Đề xuất nên tổ chức các đợt cung cấp thông tin từ những chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn hay nhà quản lý các doanh nghiệp lớn, mà vấn đề này thì địa phương chưa thực hiện tốt”, đại diện công ty này kiến nghị.
Tuy nhiên mong muốn nói trên của đại diện doanh nghiệp này sẽ khó thực hiện được nếu như các doanh nghiệp khác vẫn còn mang tư duy thờ ơ, không chú trọng đến vấn đề hội nhập. Bởi theo đánh giá của VCCI Cần Thơ, phần lớn các doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có định hướng cụ thể nào cho tương lai và còn mong chờ vào Nhà nước. Điều này cho thấy ý thức hội nhập của doanh nghiệp vùng ĐBSCL khá chủ quan và đây sẽ là một thách thức rất lớn trong thời gian tới.
Do vậy, phía VCCI cũng kiến nghị, thời gian tới, các ngành chức năng cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng với điều kiện hội nhập nhằm tăng cường đầu tư cho chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu.