Sự kiện góp phần nhận diện các xu hướng đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam; tận dụng được cơ hội và giải quyết được thách thức sẽ thúc đẩy nền kinh tế thích ứng nhanh chóng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ toàn cầu, đồng thời phát triển theo hướng bền vững, xanh và thân thiện với môi trường.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đều có chung nhận định, trong bối cảnh hiện nay, các xu thế mới tiếp tục khẳng định định hướng ưu tiên đối ngoại của Việt Nam là đúng đắn. Việt Nam là thành viên của nhiều sáng kiến, liên kết khu vực, như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các hiệp định thương mại tự do... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia quá trình đàm phán một số sáng kiến, hiệp định, như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (VN - EFTA FTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Isarel (VIFTA). Đây là cơ hội thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được sâu rộng.
Trong 6 tháng năm 2024, đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, ở một số mặt hàng trọng điểm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu khởi sắc không chỉ xuất phát từ nhu cầu của thị trường mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động thương mại ở Việt Nam cũng gặp một số thách thức. Dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng triệt để khiến các mô hình kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chậm với thị trường tiêu thụ, quá trình thông thương hàng hóa chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị.
Tại Nghị quyết số 41- NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai/cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các doanh nghiệp đó chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Nhưng những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc… Qua nghiên cứu cho thấy, vẫn còn một số điểm nghẽn lớn về thể chế và chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp Việt tự tin, vững vàng hơn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa thì cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên về góc độ phát triển doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ có tính chất trọng tâm, trọng điểm như vậy đã giảm bớt hình thức trợ cấp, hỗ trợ sẽ nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thực sự cần…
Ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon cho biết, Amazon muốn tăng tốc đưa Việt Nam trở thành mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lý do là vì chiến lược của Amazon là luôn hướng tới khách hàng bằng cách mang đến nhiều sự lựa chọn sản phẩm nhất cho họ. Càng nhiều lựa chọn, khách hàng càng có nhiều sự cân nhắc và từ đó, họ càng được hưởng nhiều lợi ích hơn. Việt Nam sẽ góp phần mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn cho hàng trăm triệu khách hàng của Amazon trên toàn cầu.
Thêm vào đó, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất mới nổi quan trọng tại châu Á và trên thế giới, với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng danh mục sản phẩm từ nội thất, điện tử, dệt may, hàng tiêu dùng. Amazon có sẵn hàng trăm triệu khách hàng trên toàn cầu và Việt Nam có khả năng sản xuất đa dạng sản phẩm với chất lượng tuyệt vời, sáng tạo, cạnh tranh. Các sản phẩm như ống hút thân thiện môi trường, túi nhựa tái chế đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và trên toàn cầu.
Cũng tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị để đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp; trong đó, đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng năng lực sản xuất mới nhằm chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với đó, doanh nghiệp tập trung kết nối trong nước tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp phát triển. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi và có các giải pháp tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ và cấp C/O, tự chứng nhận xuất xứ… Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.