Bài 1: Long An phát huy lợi thế
Long An đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước. Không chỉ có vị trị địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội khá hoàn thiện, quỹ đất công nghiệp dồi dào… môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh cũng ngày càng thân thiện, an toàn và hiệu quả.
Môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Long An có sự cải thiện vượt bậc, tăng cao về điểm số và thứ hạng, tăng tới 8 bậc so với năm 2022, xếp thứ nhì cả nước và dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, hiện nay, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Long An đang ở vị trí thứ nhất trong các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả này thể hiện sự tích cực đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính, phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày càng tốt hơn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An Trương Văn Liếp cho biết, bên cạnh thuận lợi về vị trí địa lý, hệ thống hạ tầng, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực là lợi thế cạnh tranh giúp Long An thu hút hiệu quả nhiều dòng vốn đầu tư. Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 1.339 dự án FDI từ khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 11,5 tỷ đô la Mỹ và trên 2.250 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 491.000 tỷ đồng.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An Lê Trường Chinh thông tin, để góp phần thể hiện môi trường đầu tư thông thoáng, nhiều thuận lợi, đơn vị duy trì hoạt động hiệu quả của webiste xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh với 5 ngôn ngữ: Anh, Nhật, Hàn, Hoa và tiếng Việt. Các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về môi trường đầu tư, các khu công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, chọn lựa những vị trí phù hợp với nhu cầu đầu tư.
“Việc xử lý hồ sơ cho nhà đầu tư thực hiện qua các thủ tục hành chính cũng luôn đảm bảo. Quy trình kiểm soát thủ tục hành chính được đơn vị tuân thủ đúng thời hạn, kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống phần mềm một cửa. Ban Quản lý luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc hỗ trợ mọi doanh nghiệp khi gặp vướng mắc trong quá trình hoạt động hay khi thực hiện các thủ tục hành chính.” - ông Lê Trường Chinh cho biết thêm.
Năm 2024, mặc dù bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động bất lợi, nhưng tình hình thu hút đầu tư và triển khai hoạt động của các doanh nghiệp tại Long An vẫn có nhiều khởi sắc. Qua 9 tháng năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn thu hút 90 dự án đầu tư mới; trong đó, có 69 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 471,81 triệu USD; 21 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.227 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các dự án có quy mô lớn đã được cấp phép trong năm 2023 đang đẩy nhanh tiến độ triển khai với nhiều thương hiệu lớn như: Coca-Cola, Pepsi, SLP, Thép Hòa Phát, Yokorei…
Bà Nguyễn Thục Hạ, Giám đốc Kế hoạch kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc - Bến Lức, chủ đầu tư Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức (Long An) cho biết, doanh nghiệp đã có trên 15 năm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
Tại Bến Lức, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 được quy hoạch và xây dựng đồng bộ. Tổng diện tích 260 ha, thu hút 46 nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đã đạt trên 90%. Quyết định chọn đầu tư tại Long An của doanh nghiệp đến nay là rất đúng đắn. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành sâu sát, lắng nghe doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cần hỗ trợ để thực hiện các thủ thục pháp lý đều được các ban, ngành hướng dẫn rõ ràng, chi tiết. Ngoài ra, ở Long An, Trung tâm Hành chính công có hệ thống điện tử giúp doanh nghiệp tra cứu thông tin, cập nhật quy định, biểu mẫu mới và hoàn thành nhanh chóng hồ sơ, ít sai sót, tiết kiệm thời gian, công sức.
Tại Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa (Long An) bà Kim Sunsook, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sung Hwa Vina cho biết, Công ty TNHH Sung Hwa Vina 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, chuyên sản xuất và xuất khẩu tất (vớ) các loại cung cấp cho hơn 80 thương hiệu thời trang trên thế giới và xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu. Doanh nghiệp luôn nhận được sự hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng của các cơ quan chức năng tỉnh Long An để nhà máy vận hành thuận lợi.
Theo bà Kim Sunsook, Khu công nghiệp Hòa Bình nơi doanh nghiệp “đứng chân” dù thuộc vùng 2 nhưng lại có vị trí địa lý thuận lợi, gần trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, sân bay và cảng biển, giúp vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm dễ dàng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng đô thị ở đây ngày càng phát triển tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và tuyển lao động, giúp doanh nghiệp đảm bảo sản xuất, đạt trung bình khoảng 100 triệu đôi tất/ năm.
Tiếp tục bứt phá
Tạo được niềm tin với nhà đầu tư, đạt được các chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính thứ hạng cao đã khó. Nhưng, giữ vững và ngày càng nâng cao vị trí xếp hạng cao lại càng khó hơn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An Trương Văn Liếp chia sẻ, để duy trì và nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư hiệu quả hơn, bền vững hơn, quan điểm của Long An là xây dựng chính quyền phục vụ, kiến tạo cho phát triển, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, cạnh tranh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, giữ vững vị trí nhóm đầu PCI, đưa tỉnh phát triển bền vững.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh đánh giá kết quả, phân tích chuyên sâu các chỉ số tăng điểm, tăng hạng, chỉ số giảm điểm, giảm hạng, từ đó đề ra giải pháp sát thực tiễn để cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của các chỉ số thành phần còn thấp điểm. Các chỉ số còn lại cũng phải được tiếp tục phát huy, hoàn thiện và tăng điểm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan, địa phương hỗ trợ, giải quyết nhanh thủ tục liên quan triển khai dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư... giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí gia nhập thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ thủ tục pháp lý, bố trí nhân sự trực tại Trung tâm phục vụ hành chính công, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư qua mạng; cung cấp thông tin quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh, kết nối, giới thiệu và đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát các địa điểm đầu tư phù hợp.
Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Long An thông tin, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, các chỉ số luôn ở vị trí xếp hạng cao, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính bằng nhiều hình thức. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, từ đó kịp thời khắc phục, chấn chỉnh đối với những tiêu chí chưa hài lòng nếu có.
Giám đốc Sở Công Thương Long An - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp giữ vững thị trường đối với các mặt hàng đã xuất khẩu; hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Đồng thời, ưu tiên mời gọi đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu các nhóm hàng như nông sản chế biến sâu, công nghiệp công nghệ cao để tạo giá trị gia tăng cao, đáp ứng xu thế sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.
Sở Công Thương Long An phối hợp các ban, ngành thực hiện hiện hiệu quả quá trình xúc tiến kêu gọi đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động cũng như tìm hiểu môi trường đầu tư đối với lĩnh vực của ngành Công Thương.
Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; phối hợp các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Theo ông Hùng, hiện nay nhiều hàng hóa của Long An đã và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh, đáp ứng đa dạng yêu cầu thị trường trong, ngoài nước. Tỉnh có khoảng 40 nhóm hàng xuất khẩu đến hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng cao, đạt từ 1 tỷ USD trở lên mỗi năm, như: hàng dệt, da giày, nông sản chế biến hoặc nhóm phụ tùng, cơ khí, sắt thép, điện tử. Nhiều nhóm hàng khác như thức ăn chăn nuôi, sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ gỗ, chất dẻo, hóa chất, thủ công mỹ nghệ, dược liệu... có xu hướng gia tăng tỷ trọng trong giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Bài cuối: Điểm đến của nhiều doanh nghiệp