Tỉnh Nghệ An đang thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao mức sống cho người dân ven biển. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng ven biển từ 8,44% như hiện nay xuống dưới 5% vào cuối năm 2015; nâng thu nhập bình quân của người dân ven biển tăng từ 20,3 triệu đồng lên 33,5 triệu đồng/người/năm; bảo đảm 100% hộ nghèo được tiếp cận hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục và vay vốn ưu đãi.
Ngư dân xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đóng mới tàu thuyền hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày. |
Vùng ven biển Nghệ An có 82 km bờ biển giáp với 35 xã, phường thuộc 5 huyện, thị xã gồm: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hoàng Mai và Cửa Lò.
Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng ven biển còn nhiều khó khăn. Thu nhập và mức sống của người dân còn thấp, mới bằng 82,86% so với bình quân chung cả tỉnh. Nguồn thu của ngư dân ven biển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản là chính, trong khi năng suất thấp, hiệu quả chưa cao, thiếu ổn định. Hoạt động liên quan đến nghề biển, diêm nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, thời vụ sản xuất. So với khu vực đồng bằng của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo vùng ven biển còn cao, chiếm 8,44% hộ nghèo; năng suất và thu nhập của người lao động thấp, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 44,55%, trong đó đào tạo nghề đạt 38,3%. Nhu cầu giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề của nhân dân và người lao động đang là vấn đề bức xúc nhưng chưa được giải quyết căn bản.
Trong số các nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Nghệ An xác định có nguyên nhân do số hộ nghèo đông con, đông người ăn theo, thiếu việc làm, thời gian nhàn rỗi chiếm tỷ lệ cao. Một nguyên nhân nữa là việc bố trí lồng ghép nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực giảm nghèo còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp đối với công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm còn hạn chế.
Hiện nay, Nghệ An đang tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân vùng ven biển, nhằm xác định rõ mục đích, ý nghĩa đối với công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các địa phương ven biển. Bên cạnh đó, hàng năm tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo và phân loại từng hộ nghèo theo từng nhóm hộ để có các giải pháp hỗ trợ sát đúng.
Trong phát triển kinh tế vùng ven biển gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, Nghệ An ưu tiên phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản nước mặn. Các đối tượng nuôi là ngao, hàu, vẹm, tôm nước lợ. Không chỉ tập trung nuôi trồng, ngư dân tỏng tỉnh còn tăng cường các hoạt động khai thác đánh bắt, chế biến thủy, hải sản trên biển, nhất là các hoạt động đánh bắt xa bờ với thời gian bám biển dài ngày. Nghệ An cũng dành nguồn củng cố và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đóng, sửa chữa tàu thuyền có công suất lớn, làng nghề chế biến hải sản. Việc phát triển các ngành công nghiệp gắn với lợi thế về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, lao động của vùng ven biển; ngành công nghiệp gắn với khai thác biển cũng được tỉnh quan tâm đầu tư.
Nguyễn Văn Nhật