Nâng cao hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu phụ Lạng Sơn

Bằng những nỗ lực hội đàm, thời gian qua, một số cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như cửa khẩu Na Hình và cửa khẩu Cốc Nam đã được phía Trung Quốc nối lại hoạt động sau khoảng thời gian dài tạm dừng do dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Cửa khẩu Na Hình, tỉnh Lạng Sơn luôn mở cửa nhưng vắng bóng xe hàng xuất nhập khẩu. 

Đây thực sự là tín hiệu tích cực để Lạng Sơn tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng về kinh tế cửa khẩu, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.

Dù vậy, từ khi nối lại hoạt động thông quan, hai cửa khẩu trên luôn có lưu lượng phương tiện làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa rất hạn chế. Điều này chưa phát huy được hiệu quả hoạt động cửa khẩu, mà còn ảnh hưởng đến nguồn nhân lực vận hành của các lực lượng chức năng.

Vào ngày 28/7/2023, cặp cửa khẩu Na Hình (Việt Nam) - Kéo Ái (Trung Quốc) đã chính thức được khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa trở lại sau hơn 2 năm gián đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ngay sau buổi lễ, đã có 11 xe tinh bột sắn đăng ký xuất sang Trung Quốc.

Lực lượng chức năng tại cửa khẩu Na Hình cũng tiến hành thông báo, cung cấp thông tin về hoạt động đặc thù tại cửa khẩu như thời gian mở, bãi tập kết, sang tải hàng hóa... cho các doanh nghiệp biết để chủ động thực hiện đúng quy trình, góp phần cho thông quan hàng hóa được thuận lợi.

Trung tá Hoàng Văn Thuận, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Na Hình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi cặp cửa khẩu được khôi phục thông quan, đơn vị đã phối hợp tốt với các lực lượng trong cửa khẩu để làm tốt việc chuẩn bị về nhân lực, phương tiện, bố trí dây chuyền kiểm soát theo quy định cũng như các điều kiện có liên quan. Tuy vậy, sau khi cửa khẩu khôi phục, lưu lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn chưa đều, có thời điểm chỉ có 1-2 xe/ngày, thậm trí một tuần không có xe làm thủ tục.

Ghi nhận thực tế tại cửa khẩu Na Hình thời điểm giữa tháng 8/2023, chỉ có lực lượng Biên phòng Na Hình và Đội nghiệp vụ Hải quan Na Hình (thuộc Chi cục Hải quan Tân Thanh) là 2 đơn vị thường xuyên ứng trực tại cửa khẩu. Còn những lực lượng khác như thuế, kiểm dịch y tế, kiểm dịch thực vật… thì “vắng bóng”, bởi chỉ khi nào có thông báo có xe hàng đến thì những đơn vị này mới đến làm việc.

Theo ông Bùi Anh Quân, Đội trưởng Đội nghiệp vụ Hải quan Na Hình, Chi cục Hải quan Tân Thanh, tính từ ngày 28/7 đến ngày 21/8, chỉ có 55 xe chở tinh bột sắn làm thủ tục xuất khẩu qua cửa khẩu Na Hình, tương đương hơn 2.000 tấn, trị giá trên 1 triệu USD. Nguyên nhân lượng phương tiện đăng ký xuất khẩu hàng qua đây chưa cao là do cửa khẩu Na Hình trước đây vẫn xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn chủ yếu và thời điểm này không phải mùa vụ sắn, nên lượng hàng không có nhiều.

Mặt khác, cửa khẩu cũng mới mở cửa nên doanh nghiệp cũng chưa yên tâm về tính ổn định, chưa đưa hàng lên, đối tác phía Trung Quốc cũng chưa chủ động nhận hàng tại đây. Đơn vị cũng đã liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp trong địa bàn về các mặt hàng có thể xuất khẩu qua cửa khẩu Na Hình, tạo điều kiện hết mức trong giải quyết thủ tục thông quan.
      
Còn tại cửa khẩu Cốc Nam, thời điểm giữa tháng 8/2023 lượng phương tiện chở hàng khá vắng bóng mặc dù vào đầu tháng 7/2023, Cục Thương mại thị Bằng Tường đã đồng ý về việc khôi phục lại hoạt động xuất, nhập khẩu mặt hàng thủy, hải sản qua cặp cửa khẩu Cốc Nam (Việt Nam) - Lũng Nghịu (Trung Quốc). Hiện tại trung bình chỉ có từ 5-7 xe/tuần được xuất khẩu, chủ yếu là mặt hàng cá mè và không phát sinh mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Tình trạng vắng bóng phương tiện xuất nhập khẩu đã làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan Cốc Nam chỉ thu được gần 6,5 tỷ đồng (đạt trên 8% chỉ tiêu được giao trong năm 2023).

Ông Trần Văn Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam cho hay, đầu năm 2023, Chi cục đã tổ chức hội nghị gặp mặt thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia để lắng nghe, giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa thực sự “mặn mà” trong việc làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Cốc Nam.

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan Cốc Nam, nếu Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp về hoạt động của cư dân biên giới, hoạt động tại cửa khẩu có thể sẽ sôi động hơn. Trong thời gian hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chưa diễn ra thường xuyên, đơn vị vẫn duy trì kỉ luật kỉ cương, vẫn phải làm việc khác như tự đào tạo, nghiên cứu văn bản để khi có hàng hóa vẫn sẽ thực hiện theo sự thống nhất chung trong toàn ngành, tạo thuận lợi trong thương mại.

Hiện tỉnh Lạng Sơn có 6 cửa khẩu đang có hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hàng hóa là cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma, cửa khẩu Na Hình và cửa khẩu Cốc Nam.

Việc thống nhất với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tiến tới khôi phục lại hoạt động của các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn là việc làm cần thiết để Lạng Sơn nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, giảm bớt áp lực lên các cửa khẩu quan trọng như Hữu Nghị, Tân Thanh… Đồng thời giúp người dân khu vực biên giới có việc làm ổn định, từ đó phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh kinh tế cửa khẩu.

Chú thích ảnh
Khu vực sang tải hàng xuất nhập khẩu cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn vắng vẻ, không có hàng hóa. 

Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường trao đổi hội đàm với các cấp phía Trung Quốc, Lạng Sơn cũng cần đẩy mạnh kết nối thông tin tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục qua các cửa khẩu phụ như Na Hình và Cốc Nam...

Tỉnh xây dựng cơ chế ưu tiên, tạo thuận lợi hơn để thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ…, từ đó tránh việc cửa khẩu được mở nhưng không phát sinh thông quan hàng hóa, dẫn đến hoạt động cửa khẩu chưa hiệu quả, trong khi đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu vẫn phân công trực, vẫn làm nhưng vắng bóng xe hàng.

Bài, ảnh: Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Cửa khẩu số tại Lào Cai chính thức đi vào vận hành
Cửa khẩu số tại Lào Cai chính thức đi vào vận hành

Từ ngày 21/8, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã chính thức triển khai ứng dụng số tại Cửa khẩu đường bộ Quốc tế số II Kim Thành, Lào Cai nhằm rút ngắn thời gian, chi phí thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN