Bên cạnh mô hình “đào tạo kép” mang tính chiến lược lâu dài, nhiều trường học, cơ sở dạy nghề tiếp tục chọn giải pháp đào tạo mở, linh hoạt nhằm đáp ứng thị trường lao động năng động, nhu cầu nguồn nhân lực đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã và đang có sự thay đổi...
Linh hoạt trong giáo dục, đào tạo nghề
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 567 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 52 trường cao đẳng, 65 trường trung cấp và 86 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 364 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong 3 năm qua, thành phố đã nâng dần tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo từ 78% vào cuối năm 2017 lên hơn 81% trong năm 2018 và hướng đến mục tiêu 83% vào cuối năm 2019.
Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, thành phố hiện có hơn 4,6 triệu người trong độ tuổi lao động, số lao động đã qua đào tạo là hơn 3,6 triệu người. Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo khá cao.
Tuy nhiên, thực tiễn nhiều doanh nghiệp đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao khi tiến hành đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhận định, khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực, chất lượng lao động không đáp ứng theo nhu cầu phục vụ sự phát triển xã hội, nhất là tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng diễn ra nhanh. Từ thực tiễn này, công tác tổ chức và quản lý đào tạo nguồn nhân lực cần được thực hiện mềm dẻo, linh hoạt, giúp người học chủ động lựa chọn chương trình và kế hoạch học tập phù hợp.
“Cùng với đào tạo chuyên môn cũng cần đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp. Qua đó nhằm trang bị kỹ năng bổ trợ cho người học trong quá trình cạnh tranh nghề nghiệp sau khi ra trường”, ông Đào Quang Vinh nhấn mạnh.
Là trường dạy nghề tiên phong trong đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt, Thạc sĩ Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc này sẽ tạo thuận lợi cho người lao động học nghề - khởi nghiệp và có việc làm bền vững. Bên cạnh đó khắc phục những khó khăn về tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, công tác dự báo nhu cầu đào tạo. Linh hoạt trong đào tạo nghề còn góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo nên diện mạo mới của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số hóa và toàn cầu hóa.
“Cái khó để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng này là nhà trường phải có mối quan hệ sâu, rộng đối với doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, sư phạm, kỹ năng, ngoại ngữ... Mỗi thành viên tham gia chương trình (bao gồm cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp) phải luôn ý thức, nỗ lực, phấn đấu để nâng cao chất lượng đào tạo, vươn lên một nền giáo dục nghề nghiệp hiện đại, hiệu quả, tiệm cận với các nước trong khu vực”, Thạc sĩ Lâm Văn Quản chia sẻ.
Để đẩy mạnh đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt, mang lại lợi ích cho cả ba bên (học viên, nhà trường, doanh nghiệp) đáp ứng nhu cầu hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Trường Cao đẳng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Seoul Hanyoung, Trường Cao đẳng nghề Seoul Huyndai (Hàn Quốc)...
Từ góc độ chuyên môn, Tiến sĩ Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông là xu hướng tất yếu, khách quan. Linh hoạt trong đào tạo nghề còn góp phần thúc đẩy phương châm học suốt đời và xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Kinh nghiệm và mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia nhằm cải cách và thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với thị trường việc làm. Mục tiêu của việc đào tạo theo hướng mở, linh hoạt là gỡ bỏ mọi rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm.
Giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.
Người làm công tác giáo dục đào tạo nghề cần đổi mới tư duy, chiến lược số, đặc biệt có yếu tố cạnh tranh, phát triển theo mô hình hoạt động kinh doanh thông minh để tạo ra sự cạnh tranh thông minh. Ngoài ra cần khai thác tốt nền tảng dữ liệu số có sẵn; thúc đẩy phong trào sáng tạo đổi mới; đồng thời chủ động hợp tác, liên kết phối hợp nhằm mang lại giá trị ứng dụng cao.
“Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là xu thế phát triển chung trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nghề sẽ mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững. Giáo dục nghề nghiệp phải đào tạo nghề mà nhu cầu xã hội cần, người lao động tương lai có kỹ năng tốt, chuyên môn giỏi”, Giáo sư Lê Quân khẳng định.
Tương tự, các chuyên gia trên lĩnh vực giáo dục đào tạo nghề cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động rất lớn đến cơ cấu nguồn nhân lực và dự kiến sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ - trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng những năm qua đã có chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng theo yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế của thành phố và các nước.
Vì thế, mới đây, UBND thành phố đã ban hành Quyết định về kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 với trọng tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Trong đó, tập trung thực hiện công tác quy hoạch giáo dục nghề nghiệp; rà soát, đánh giá nhu cầu đào tạo nghề theo yêu cầu thị trường lao động; thực hiện phân luồng học sinh và công tác hướng nghiệp. Cùng với đó là đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy; tăng cường liên kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế…
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, mục tiêu của thành phố là đẩy mạnh đào tạo, bổ sung chính sách, thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Thành phố yêu cầu chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung, nhân lực còn thiếu; xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ. Đặc biệt là những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng hướng đến đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, sản phẩm chủ lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, 8 ngành dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN và ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, thành phố tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quốc gia và thành phố.
Thành phố phấn đấu đạt 85% lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề trong tổng số lao động đang làm việc; chất lượng đào tạo đạt chuẩn cộng đồng kinh tế ASEAN. Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt 85 - 90%...
Bài 3: Nỗ lực nâng chất lượng đào tạo đại học