Năm 'vượt bão' của ngành công thương

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Đến năm 2025, Việt Nam là nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, tạo tiền đề quan trọng để đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; trong đó, ngành công thương được trao sứ mệnh quan trọng để thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành công thương được tổ chức sáng 9/1 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tham dự sự kiện và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Vượt kế hoạch đề ra

Chú thích ảnh
Công nghiệp chế biến, sản xuất xe có động cơ đã đóng góp lớn cho chỉ số phát triển ngành công nghiệp. Ảnh (minh họa): Trần Việt/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động nghiêm trọng, chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra.

Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Những nỗ lực của Bộ Công Thương đã mang lại kết quả tích cực cho toàn ngành. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân; đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 4.350 MW. Đặc biệt, thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện lớn chưa từng có cho nhiều đối tượng khách hàng trong 5 đợt với số tiền gần 17 nghìn tỷ đồng.

Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch, đóng góp cao nhất cho ngân sách với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch. Ngành than cũng nỗ lực vượt qua khó khăn và cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021.

Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó, xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19%, vượt 15% so với kế hoạch, góp phần duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, mặc dù dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng hàng hóa có thời điểm bị đứt gãy, nhưng với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, hàng hóa vẫn được cung ứng đầy đủ, kịp thời với giá cả tương đối ổn định.

Đồng thời, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng chục triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân với giá cả hợp lý trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng mới, đóng góp quan trọng trong việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu.

Hơn nữa, quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý thị trường và phòng vệ thương mại được quan tâm, triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả; việc quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa được củng cố.

Thống kê cho thấy, năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng; tăng cường kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Mặt khác, quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được triển khai đồng bộ, toàn diện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo phát triển các ngành sản xuất trong nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường, phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh dịch COVID-19, xuất khẩu sang thị trường có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) tăng 14,2%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) tăng 15,4%... Đồng thời, cùng các đối tác đưa Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào thực thi từ tháng 1/2022, qua đó tạo lập một khu vực thị trường mới, lớn, ổn định lâu dài cho các doanh nghiệp.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số được đẩy mạnh; quản lý cụm công nghiệp và khuyến công quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương.

Chinh phục mục tiêu mới

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của ngành công thương. Đơn cử như dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của sản xuất công nghiệp. Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, nhất là ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.

Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI tăng lên so với những năm gần đây và giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Hơn nữa, tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm như rau quả còn chậm, chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

Một số nông sản chủ yếu dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ ách tắc kéo dài tại cửa khẩu. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam chưa cao, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến phát triển của ngành.

Bên cạnh đó, sự bất cập từ chính nội tại của ngành trong nhiều năm qua, nay bộc lộ rõ nét hơn dưới tác động của dịch COVID-19. Bởi vậy, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước năm 2022 ở mức 6 - 6,5%, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ngành công thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7 - 8 %; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6 - 8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7 - 8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng từ 7,1 - 9,1%.

Đặc biệt, năm 2022, Bộ Công Thương chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chủ động tham mưu tổng kết việc thực hiện các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả.

Đồng thời, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Uyên Hương (TTXVN)
Đề xuất để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia 'giải cứu' các dự án thua lỗ ngành Công Thương
Đề xuất để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia 'giải cứu' các dự án thua lỗ ngành Công Thương

Báo cáo tại hội trường Quốc hội chiều 25/7, về các dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài mà nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần kiên trì, kiên quyết đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo hướng khẩn trương định giá đúng, giải quyết dứt điểm, đúng luật, hợp tình hình để Nhà nước không mất thêm tiền và mất thêm người vào các dự án kém hiệu quả. Đồng thời, để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia giải cứu càng sớm càng tốt đối với các dự án càng để càng thua lỗ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN