Chương trình OCOP ở Nam Trung bộ bước đầu đã mang đến một sắc thái mới cho việc phát huy giá trị, giới thiệu sản phẩm của mỗi xã, mỗi địa phương, mỗi đơn vị sản xuất, cũng như cho thấy hiệu quả về kinh tế đã mang lại.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã mở 36 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ và doanh nghiệp thực hiện chương trình OCOP với hơn 1.500 lượt người tham gia. Đến năm 2020, tỉnh này đã công nhận được 31 sản phẩm; trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm qua các kênh phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử như: BigC, Vinmart, VNPost.
Ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, sau ba năm thực hiện, đến nay chương trình OCOP đã thực sự đem lại hiệu quả rõ rệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của người làm nghề theo hướng sản xuất kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc ký kết hợp đồng với đối tác trong tỉnh, một số đơn vị đã mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất thương mại và dịch vụ Mười Quý, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà, Công ty TNHH Volcano… Qua khảo sát, doanh thu bán sản phẩm trong năm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng đều tăng từ 20 - 30%.
Anh Phạm Đình Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà, huyện Sơn Hà cho hay, hợp tác xã đã có 3/7 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là gà kiến Sơn Hà, gà đen S và mắm cá niên. Chứng nhận sản phẩm OCOP đã từng bước giúp hợp tác xã khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin đối với khách hàng.
Anh Phạm Đình Nghĩa dẫn chứng, khi mới thành lập năm 2018, hợp tác xã hoạt động rất khó khăn, cầm chừng. Đến năm 2020, từ khi có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần tiến triển hơn, đơn đặt hàng liên tục tăng lên.
Còn ở Bình Định, hiện nay hầu hết các sản phẩm OCOP đều có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhất là các sản phẩm đạt hạng 5 sao như gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước), cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hải Nguyên... Các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao đều là sản phẩm đặc trưng của Bình Định, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương và đặc biệt là sản xuất an toàn.
Hay như sản phẩm bánh tráng truyền thống của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị xã Hoài Nhơn) lấy nguyên liệu chính là dừa tại địa phương. Trước đây, bánh tráng chỉ bán tại các chợ đầu mối, siêu thị trong tỉnh, nhưng nay sản phẩm của doanh nghiệp này đã được công nhận OCOP chất lượng 4 sao, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore.
Chị Lê Mai Diệu Thủy, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Đề Gi (huyện Phù Cát) cho biết, khi sản phẩm nước mắm truyền thống địa phương được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm bán chạy trên thị trường, và xuất bán tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Phú Yên bước vào “sân chơi” OCOP khá muộn, nhưng bước đầu các sản phẩm OCOP Phú Yên cũng đã phát huy hiệu quả, khẳng định được thương hiệu, giá trị đặc sản đặc trưng riêng. Một số sản phẩm như gạo thơm Hoa Vàng, nước mắm nhĩ Tân Lập, trà Diệp Hạ Châu, tiêu đen Sơn Thành… được đưa lên sàn thương mại ở các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Một số sản phẩm đã được phát triển thị trường tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Gạo thơm Hoa Vàng là sản phẩm OCOP 3 sao vừa được công nhận. Sản phẩm do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp, huyện Tuy An sản xuất với chất lượng vượt trội bởi phương thức sản xuất an toàn, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, quá trình canh tác theo một quy trình chung nhất định, do vậy sản lượng và chất lượng gạo luôn được đảm bảo ổn định.
Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc Hợp tác xã này, cho hay hiện đơn vị đang sản xuất 60 tấn gạo mỗi năm, bao tiêu đầu ra, lại mua cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg. Một tấn lúa nông dân “bắt tay” với Hợp tác xã đang thu lãi thêm 1 triệu đồng. Phú Yên được xem là vựa lúa của miền Trung, với sự ra đời của gạo thơm Hoa Vàng, bước đầu khẳng định chất lượng thương hiệu gạo Phú Yên trên thị trường.
Anh Phạm Văn Khải, chủ cơ sở nước mắm nhĩ Tân Lập (thị xã Sông Cầu) cho biết, mặc dù nước mắm truyền thống được xem là “cốt hồn, cốt túy của dân tộc”, nhưng có thời điểm sản phẩm này chưa thể cạnh tranh với các loại nước mắm công nghiệp bởi giá thành, đầu tư quảng cáo. Tham gia vào chương trình OCOP, sản phẩm của cơ sở đã có cuộc “lột xác” hoàn toàn về mẫu mã, nhãn mác, cũng như có một chiến lược marketing rõ ràng. Đặc biệt, nước mắm Tân Lập được công nhận thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc, khẳng định được sản phẩm đặc sản của địa phương, đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng. Hiện mỗi năm cơ sở xuất bán ra thị trường 20.000 lít nước mắm nhĩ, thị trường tiêu thụ phủ khắp tỉnh. Ngoài ra, nước mắm Tân Lập được người tiêu dùng tại các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định lựa chọn.
Đối với Khánh Hòa, chương trình OCOP triển khai khá sớm, từ năm 2018. Sau 3 năm triển khai, Khánh Hòa đã công nhận tổng cộng 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Sơ kết gần đây cho thấy, tổng doanh thu bình quân của 26 sản phẩm này đạt 7,5 tỷ đồng/năm, tăng 15% và lợi nhuận bình quân đạt 700 triệu đồng/năm, tăng 10% so với trước khi tham gia chương trình.
Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng, trong 2 năm 2019 và 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa đã tham gia gian hàng tại triển lãm Festival OCOP ở Nam Định vào tháng 10/2019; trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Phiên chợ Tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020 vào trung tuần tháng 10/2020 tại thành phố Nha Trang. Cuối năm 2020, Sở Công Thương đã tổ chức khai trương điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Siêu thị Co.opmart Nha Trang và duy trì, mở rộng quy mô cho đến nay.
Ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), hơn mười năm nay, vùng đất này đã tuyển chọn được một số giống phù hợp và cho ra đời nhiều loại đặc sản ngon có tiếng cả vùng Nam Trung bộ, như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… Chỉ tính riêng 1.731 ha sầu riêng, mỗi năm Khánh Sơn cung cấp cho thị trường trên 7.100 tấn quả và hiện đã có 9 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn sầu riêng ở nhiều vùng khác, vì vị ngọt thanh, múi to, thơm béo, cơm vàng, hạt lép.
Ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ, địa phương đã triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng trái cây là đặc sản của Khánh Sơn, đặc biệt là là các sản phẩm sầu riêng đã đạt chứng nhận VietGAP, OCOP… Ngoài việc tiếp tục duy trì và mở rộng các gian hàng chuyên bán các các sản phẩm nói trên tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, Khánh Sơn còn tổ chức “phiên chợ” trái cây hàng năm tại địa phương, như một cách thu hút người dân các nơi và du khách về Khánh Sơn để hiểu hơn về vùng đất có nhiều đặc sản trái cây này.
Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh Nam Trung bộ đều đưa đánh giá OCOP là chương trình mới, việc triển khai trên địa bàn các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do không bố trí được nhân lực. Phần lớn các cán bộ được giao kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau ngoài chương trình OCOP. Bên cạnh đó, sản phẩm tham gia chương trình đa phần là sản phẩm chủ lực của các địa phương, chủ yếu là sản phẩm thực phẩm tươi, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Số lượng chủ thể tham gia vẫn còn e dè và hạn chế do biểu mẫu, hồ sơ tham gia đánh giá quá nhiều và quá khó đối với các chủ thể sản xuất.
Bài cuối: Hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị