Mối liên kết “hai nhà”

Đâu là “chất keo” kết dính cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong cánh đồng lớn?

Từ thực tế

Tại tỉnh An Giang, theo ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2013 - 2014, nông dân tỉnh An Giang xuống 237.502 ha lúa, trong đó mô hình liên kết sản xuất CĐL đạt 11.833 ha, chỉ bằng 1/3 diện tích dự kiến trong vụ là 35.000 ha. Diện tích liên kết này do 20 doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tham gia. Tuy nhiên, phần lớn các DN chỉ thực hiện liên kết một phần, hoặc có hiện tượng “bỏ chạy” không thực hiện hợp đồng đã liên kết, tạo cho nông dân tâm lý không an tâm khi tham gia làm cánh đồng lớn (CĐL).

Thương lái vận chuyển lúa đến doanh nghiệp thu mua.


Hiện nay chỉ có Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang triển khai đầu tư bài bản và có kế hoạch thực hiện rõ ràng, chủ động hợp đồng trực tiếp với nông dân 6.808 ha, sản xuất các loại giống lúa Jasmine 85, OM 6976, OM 4218, OM 2517, OM 5431, OM 7347, giống lúa AGPPS 103 do Công ty tự sản xuất, cung ứng cho nông dân. Còn lại 19 DN trong và ngoài tỉnh thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa với nông dân thông qua hợp tác xã hoặc tổ hợp tác hoặc thực hiện liên kết một phần trên tổng diện tích là 5.024 ha, đạt 50% so kế hoạch.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong thực tế còn không ít DN vẫn xây dựng mô hình liên kết theo kiểu đối phó, phong trào, chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong khi đó ở phía chính quyền, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất về vai trò và trách nhiệm, trong liên kết còn yếu. Không ít trường hợp khi thu hoạch giá thị trường tăng, người dân cũng “bẻ kèo” bán sản phẩm ra ngoài mà không bán cho DN.

Tại hội thảo “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Sóc Trăng 2014) diễn ra mới đây, một số chuyên gia kinh tế, nông nghiệp đã đưa ra số liệu dẫn chứng về tỷ lệ thành công của các hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân liên tục giảm. Theo đó, nếu như vụ đông xuân 2010 - 2011 tỷ lệ hợp đồng ký kết thành công đạt 98% thì đến vụ đông xuân 2013 - 2014 chỉ đạt 34%.

Tìm sự liên kết chặt chẽ

Theo bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH XNK&TM Võ Thu Thị Hà, chuyện người dân “bẻ kèo” không bán lúa cho doanh nghiệp mà bán cho thương lái đó là một điều đáng tiếc. “Để đảm bảo nguồn hàng ổn định, chúng tôi luôn cam kết mua cao hơn giá của thương lái khoảng 200 đồng/kg. Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn, chuyện nông dân “bẻ kèo” bán lúa cho thương lái là không thể tránh khỏi. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, cách tốt nhất là phải nói cho người dân hiểu và thông cảm cho những khó khăn của DN, qua đó, cũng để người dân hiểu rằng làm ăn với DN trong cánh đồng lớn là lâu dài còn thương lái khi cần thì mua giá cao, còn không cần sẽ tìm cách hạ giá xuống” - bà Hà cho biết.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng thừa nhận hiện đang có hiện tượng nông dân phá vỡ hợp đồng với DN. Tuy nhiên, vấn đề không phải là do DN mua với giá thấp hơn thị trường mà là do một số DN có hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng lớn cần phải giao ngay nhưng trong kho lại thiếu hụt một lượng gạo nhất định. Vì thế, họ thông qua thương lái để đẩy giá lên cao hơn khoảng vài trăm đồng/kg nhằm gom đủ số lượng hàng cần thiết, sau khi đủ số lượng họ lại trở về mức giá thấp hơn hoặc tương đương với thị trường. “DN cũng cần thông cảm cho người dân vốn có tâm lý cứ thấy giá cao hơn là bán nên không cần phải làm khó người dân trong chuyện này” - ông Phong nói.

Tuy nhiên, để mối liên kết giữa DN và nông dân thực sự chặt chẽ thì rất cần có chính sách rõ ràng, quản lý kiểm tra, chế tài hợp lý và nâng cao nhận thức của nhân dân, nâng cao năng lực của các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác đại diện cho nông dân... Có như vậy mô hình CĐL mới thực sự thu hút nông dân tự nguyện, DN mạnh dạn tham gia để góp phần cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới chuyển đổi theo hướng bền vững.

Theo ông Thịnh để giải quyết được vấn đề này, Chính phủ và các bộ, ngành phải khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ và các chính sách đặc thù hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển nhanh, đúng hướng. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng ban hành lộ trình quy chế và lộ trình vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo nhằm hạn chế tình trạng DN tham gia kiểu hình thức trong xây dựng CĐL. Mặt khác, các DN phải xây dựng phương án, dự án CĐL gửi Sở NN&PTNT thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Trong đó, quan trọng nhất là những phương án, dự án này phải mang tính chất lâu dài, xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có Nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã, xây dựng chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã và Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Bài và ảnh: A.Đ

Phát huy hiệu quả tín dụng nông nghiệp
Phát huy hiệu quả tín dụng nông nghiệp

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngành ngân hàng, doanh nghiệp, nhà quản lý, đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng ĐBSCL. Báo Tin Tức trích đăng ý kiến của những “người trong cuộc”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN