Tăng tốc tái cơ cấu ngành nông nghiệp ĐBSCLTháo “nút thắt” về vốn

Ngày 10/6/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ các định hướng cơ bản là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công đề án là không dễ dàng khi ngành nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước nhiều bất cập.

Những thách thức

Nhiều chuyên gia kinh tế, nông nghiệp cho rằng, việc phát triển cánh đồng lớn (CĐL) được xem là một trong các giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN), đặc biệt là vùng ĐBSCL. Chính vì vậy phong trào xây dựng CĐL đã được Bộ NN&PTNT tổ chức phát động và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều địa phương từ năm 2011.

Xây dựng cánh đồng lớn là giải pháp quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Đến nay, mô hình CĐL không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa mà còn áp dụng đối với mía đường, nuôi trồng thủy sản, rau quả an toàn... Điểm nổi bật của mô hình liên kết này là DN đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân là người trực tiếp sản xuất, nhận khoán theo định mức chi phí, được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Những mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp ĐBSCL.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và cơ quan quản lý cũng cảnh báo sự mở rộng của mô hình CĐL hiện nay đã và đang gặp những rào cản, nếu không có giải pháp tháo gỡ thì phong trào xây dựng CĐL sẽ khó đạt được kết quả như kỳ vọng. Bởi nguyên nhân xuất phát từ năng lực đầu tư của DN có hạn trong khi việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ công ích của DN, hợp tác xã và người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết: “Trước đây, khi thực hiện CĐL, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư toàn bộ hoặc một phần cho nông dân, nhưng khi mở rộng diện tích thì đa số các DN đều không đủ năng lực tài chính đầu tư ứng trước. Cơ sở hạ tầng như kho chứa, nhà máy xay xát, đặc biệt là nhà máy sấy cũng được đầu tư ở quy mô tối ưu. Nếu mở rộng quy mô này sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư, tăng rủi ro cho DN. Vì thế giải pháp quan trọng là phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và các tổ chức của họ tiếp cận được vốn và giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển hạ tầng sấy”.

Một nguyên nhân khác là các tổ chức nông dân vẫn chậm hình thành và năng lực quản lý yếu, nhất là thiết chế tổ chức hợp tác xã. Mặc dù các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả hỗ trợ nhau thực hành kỹ thuật theo yêu cầu DN nhưng lại không có tư cách pháp nhân và không có khả năng đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như hệ thống sấy, kho chứa, phương tiện vận chuyển do cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác xã chưa phù hợp về chính sách tín dụng, đất đai, đào tạo cho xã viên...

Sự chậm trễ của địa phương trong việc thực hiện các quy định và chính sách hỗ trợ liên kết, xây dựng CĐL theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 15/2014/TT-BNN-KTHT của Bộ NN&PTNT cũng là bước cản. Theo quy định, các địa phương phải có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo CĐL, ban hành tiêu chí, xây dựng quy hoạch - kế hoạch CĐL, ban hành chính sách và thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng CĐL... Tuy nhiên, tính đến nay sau gần 1 năm kể từ khi Quyết định 62 có hiệu lực và nửa năm có Thông tư hướng dẫn, việc triển khai các nhiệm vụ trên đây ở các địa phương chủ yếu mới dừng ở giai đoạn “nghiên cứu - chuẩn bị”.

Những vấn đề cần quan tâm

Vốn tín dụng là một trong những nguồn lực tối cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần cho việc tái cấu trúc để định hướng lại phát triển nông nghiệp và cuối cùng là thực hiện mục tiêu TCCNNN theo hướng nâng cao giá trị. Theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, việc ngành nông nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ chính là thiệt thòi lớn. Điều này còn tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các ngành và các khu vực DN, kinh tế nhà nước, đầu tư nước ngoài, hộ kinh doanh ở đô thị và hộ sản xuất, kinh doanh ở nông thôn.

“ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp nhưng dư nợ tín dụng của vùng này chỉ chiếm khoảng 9% tổng dư nợ của cả nước. Đây là con số không tương xứng với nhu cầu thực tế. Lý do thường được nghe từ các ngân hàng là cho vay với nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, chi phí cao. Lý do khác là do ở ĐBSCL tỷ lệ huy động/cho vay rất thấp, các ngân hàng phải điều động vốn từ nơi khác về đây để cho vay. Tuy nhiên dư nợ tín dụng tăng lên cũng xem là một chỉ đấu về sự cải thiện” - TS. Võ Hùng Dũng cho biết.

Như vậy, để thúc đẩy sự phát triển mối liên kết trong CĐL, Trung ương cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để các DN, các tổ chức nông dân có thể tiếp cận nhiều hơn nữa với nguồn vốn giá rẻ. Vấn đề này cũng đã được các địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị nhằm để thúc đẩy mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo CĐL, vùng chuyên canh tập trung. Chẳng hạn, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa kiến nghị ngành ngân hàng thí điểm hỗ trợ 50% lãi suất trung, dài hạn cho hộ gia đình, cá nhân để thuê đất sản xuất nông nghiệp nhằm tăng quy mô sản xuất đạt từ 3 ha/1 chủ thể trở lên.

Một số DN tham gia mô hình liên kết CĐL cũng cho rằng, cơ chế ưu đãi hiện tại cho DN vay vốn còn quá ít so với chi phí mà DN bỏ ra đầu tư cho nông dân. Do vậy Ngân hàng nhà nước cần đề xuất với Chính phủ có chính sách ưu đãi để thu hút thêm nhiều DN tham gia mô hình CĐL. Cụ thể DN vay vốn trung hoặc dài hạn để mua máy sấy lúa, máy xay xát, xây kho... được hưởng lãi suất bằng 0% cho 4 năm đầu tại Quyết định 68/2013/QĐ -TTg. DN vay vốn ngắn hạn (mua giống, phân, thuốc, thanh toán tiền lúa cho nông dân) với lãi suất 6%/năm cho 3 năm đầu, các năm sau theo mặt bằng lãi suất chung và vay vốn trung hoặc dài hạn với lãi suất 10%/năm để thực hiện dự án CĐL ở công văn 1050/QĐ-NHNN.

Mặt khác, để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều vấn đề khác như xây dựng các thể chế khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, bảo hiểm nông nghiệp, ưu tiên kinh phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp, định hướng phát triển thị trường bằng công cụ dự báo tốt, hạn chế sử dụng những biện pháp trợ cấp (chính sách tạm trữ lúa gạo là một ví dụ)... là những ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp kiến nghị với Chính phủ cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Anh Đức

Phát huy hiệu quả tín dụng nông nghiệp
Phát huy hiệu quả tín dụng nông nghiệp

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngành ngân hàng, doanh nghiệp, nhà quản lý, đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng ĐBSCL. Báo Tin Tức trích đăng ý kiến của những “người trong cuộc”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN