Mô hình hỗ trợ phát triển cà phê bền vững Tây Nguyên

Ngày 17/11, tại Gia Lai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại Tây Nguyên.

Đây là dịp để các bên liên quan trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng, đóng góp vào phát triển cà phê bền vững Tây Nguyên. 

Chú thích ảnh
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai chia sẻ về những khó khăn của hoạt động Tổ khuyến nông cộng đồng tại Gia lai và hướng hỗ trợ từ địa phương. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sau gần 2 năm triển khai đề án thí điểm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay đã có 26 tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập tại 13 tỉnh; trong đó có 8 tổ tại 4 tỉnh Tây Nguyên có vùng nguyên liệu cà phê lớn gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông.

Các tổ khuyến nông cộng đồng này đã liên kết chặt chẽ cùng các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà chuyển giao công nghệ để kết nối, tư vấn và chuyển giao kỹ thuật cho các hợp tác xã và người nông dân. Qua đây, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và giá trị gia tăng của cà phê, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã và người nông dân tiếp cận thị trường, tín dụng và các chương trình, dự án liên quan.

Một trong những hoạt động chính của các tổ khuyến nông cộng đồng tại các tỉnh Tây Nguyên là hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững, theo bộ quy tắc 4C - một bộ quy tắc sản xuất cà phê bền vững được công nhận quốc tế. Từ đó, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế và nâng cao đời sống người nông dân.

Một ví dụ cụ thể là tại tỉnh Kon Tum, 2 tổ khuyến nông cộng đồng đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp và biên bản thỏa thuận hợp tác với 373 hộ nông dân trong sản xuất và bao tiêu gần 2.000 tấn cà phê nhân 4C. 

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp đã hỗ trợ toàn bộ chi phí kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận 4C cho các hộ nông dân. Đến nay các tổ khuyến nông cộng đồng đã hỗ trợ cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp mở rộng thêm gần 570ha vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn 4C.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Theo ông Đới Văn Cương, Tổ trưởng tổ khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), nhờ có sự hỗ trợ của tổ khuyến nông cộng đồng, người nông dân tại hai xã Đăk Ma và Hà Mòn đã có thêm kiến thức và kỹ năng trong sản xuất cà phê bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, người nông dân cũng được bảo đảm thu nhập ổn định, góp phần phát triển ngành hàng cà phê Tây Nguyên.

Tuy nhiên, do mới thành lập và đi vào hoạt động nên hầu hết các tổ khuyến nông cộng đồng đều còn gặp những khó khăn, hạn chế như: chưa thực hiện được 4 nhóm nhiệm vụ về liên kết thị trường, tư vấn hợp tác xã, đào tạo nông dân về kỹ thuật số; các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng còn hạn chế về kiến thức về phát triển thị trường, quản trị hợp tác xã, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.... Ngoài ra, các tổ khuyến nông cộng đồng còn gặp khó khăn về việc thiếu các trang thiết bị đào tạo và kinh phí làm việc để tổ thực hiện nhiệm vụ. 

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: Khó khăn lớn nhất của các tổ khuyến nông cộng đồng là kinh phí hoạt động. Hiện các tổ khuyến nông cộng đồng có nguồn thu nhưng chưa thực sự đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động hiệu quả. Trước khó khăn trên, Gia Lai đã xây dựng kế hoạch khuyến nông để hỗ trợ các chính sách cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Trong đó, lồng ghép với các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng bao bì nhãn mác cho thương hiệu cà phê. Hỗ trợ các chính sách phát triển hợp tác xã và các sản phẩm OCOP (chương trình "mỗi xã một sản phẩm"), chính sách tín dụng gắn với các tổ khuyến nông cộng đồng.

"Gia Lai mong muốn các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ giúp được nhiều cho người nông dân, thông qua việc tư vấn về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê một cách bền vững nhất", ông Đoàn Ngọc Có chia sẻ.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng trong thời gian đến, tại hội thảo, các tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã, doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng: Cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương sớm hình thành những chính sách ưu đãi, kích thích cho các tổ khuyến nông cộng đồng, như hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, đào tạo, tuyên truyền, tham gia các chương trình, dự án liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông cộng đồng, đặc biệt là về các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc…

Chú thích ảnh
Trao thiết bị hỗ trợ cho 8 tổ khuyến nông cộng đồng ở 4 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sau gần 2 năm triển khai, tổ khuyến nông cộng đồng đã có kết quả đạt được ngoài mong đợi, vượt qua khuôn khổ của một đề án thí điểm. Hiện nay, các địa phương đang vào cuộc tích cực, đặc biệt các vùng nguyên liệu cà phê, các tổ khuyến nông cộng đồng đã phát huy hiệu quả rất tốt. 

"Mong muốn của chúng tôi sẽ xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để làm sao kết nối được giữa các nhà chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Trên thực tế, các tổ khuyến nông cộng đồng này đang triển khai tốt, phát huy hiệu quả", ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo, huấn luyện, mời gọi các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để giúp tổ khuyến nông cộng đồng làm sao tiếp cận được với các phương pháp mới, có đầy đủ các trang thiết bị giúp cho hoạt động sản xuất hiệu quả. 

Đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các bên liên quan để dần hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đưa ra những giải pháp cụ thể hơn giúp cho các tổ khuyến nông cộng cộng phát huy hiệu quả, hướng đến nhân rộng mô hình này ra khắp cả nước.

Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)
Niềm vui nhân đôi với người trồng cà phê
Niềm vui nhân đôi với người trồng cà phê

Nông dân tỉnh Bình Phước đang bước vào vụ thu hoạch cà phê trong không khí rất phấn khởi vì giá cao. Bên cạnh đó, năng suất cà phê năm nay tăng nên niềm vui người dân được nhân đôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN