Đảo Cái Bầu (Vân Đồn, Quảng Ninh) là đảo trung tâm, giàu nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Quảng Nam cùng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại TP Hồ Chí Minh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết mô hình về đặc khu kinh tế (đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) được kỳ vọng trở thành động lực mới, tạo ra bứt phá mới về phát triển kinh tế, không chỉ cho các tỉnh thực hiện mô hình này mà còn cho Việt Nam nói chung.
Đến thời điểm này, Việt Nam có đến 18 khu kinh tế mở. Tuy nhiên, nhiều khu kinh tế mở hiện chỉ tồn tại trên giấy và nhiều khu kinh tế mở đã bị rút ra khỏi danh sách ưu tiên đầu tư. Vì vậy, sự thành công của các mô hình kinh tế mới đòi hỏi mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, thể chế hết sức đặc biệt, khuôn khổ pháp lý rất vững chắc cũng như sự năng động sáng tạo của địa phương.
Về phần mình, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết không phải đơn giản mà nhiều quốc gia đầu tư trí tuệ, sức lực để xây dựng đặc khu kinh tế. Cái được lớn nhất của việc này chính là thu hút vốn đầu tư nước ngoài để học hỏi công nghệ, kỹ năng quản trị, cách tổ chức xã hội, môi trường, và từ đó hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
Liên quan đến vấn đề du lịch, ông Vũ Thành Tự Anh cho biết trong mấy năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất cao, trung bình từ 25 - 27%. Trong 9 tháng đầu năm, lượng khách trung bình của Việt Nam tăng đến gần 30%.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này đã nêu vấn đề đó là lượng khách đến Việt Nam nhiều nhưng giá trị gia tăng đóng góp cho GDP và ngân sách là rất hạn chế.