APEC 2017: Báo chí quốc tế nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam

Nhân Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC) diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 6 - 11/11, báo chí quốc tế tiếp tục đưa tin về sự kiện kinh tế quan trọng bậc nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương này, cũng như nhấn mạnh mong muốn của nước chủ nhà Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong khu vực.

Trong một bài viết đăng trên báo The Economic Times của Ấn Độ, tác giả nhận định là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong APEC, nước chủ nhà Việt Nam đã cố gắng hài hòa lợi ích, tìm kiếm điểm chung để thu hẹp sự khác biệt và thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vài thập kỷ qua, Việt Nam hiện được đánh giá là một nền kinh tế của những cải cách. Tác giả cho rằng bắt đầu từ một nền kinh tế nhỏ và lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau hơn 30 năm chiến tranh, tụt hậu phía sau khu vực và thế giới với điều kiện sống vô cùng khó khăn, sự phát triển nhanh chóng để cải thiện cuộc sống của người dân và để củng cố đất nước là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.

Chiều 7/11, các đại biểu dự Diễn đàn “Tiếng nói Tương lai APEC 2017 (VOF)” đi tham quan Làng bích họa Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Theo bài báo, Việt Nam hiện đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Tiến bộ này được ghi nhận trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng lên, nông nghiệp trong cấu trúc GDP giảm. Mô hình phát triển kinh tế chuyển từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu.

Tính cạnh tranh của quốc gia được cải thiện. Qua việc rút ra một số bài học để nâng cao vị thế dẫn đầu trong phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, Việt Nam đã khẳng định rằng phát triển nhanh và bền vững là chiến lược chính xác cần kiên quyết và kiên trì thực hiện.

Trước những thay đổi nhanh chóng, Việt Nam nhấn mạnh cần đẩy mạnh nghiên cứu lý thuyết, coi trọng thực hiện đánh giá, đặc biệt là mô hình mới và kinh nghiệm tốt; thường xuyên nắm bắt và dự đoán những sự phát triển mới; hài hòa mối quan hệ giữa sự phát triển nhanh và bền vững, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế và xã hội; gắn tăng trưởng kinh tế với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, hợp nhất quốc phòng và an ninh...

Trong khi đó, báo chí Algeria nhận định mặc dù có sự phục hồi kinh tế trên thế giới và sự cải thiện tài chính toàn cầu, APEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tăng trưởng chậm, sự tăng cường chế độ bảo hộ thuế quan, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi khí hậu.

Với mong muốn thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương, nước chủ nhà Việt Nam đã nhấn mạnh điều cần thiết là các nền kinh tế thành viên của APEC tiến hành "nghiên cứu những động lực mới có khả năng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, làm sâu sắc những mối quan hệ kết hợp và hợp tác trong khu vực và cao hơn nữa là đạt được những mục tiêu Bogor trong lĩnh vực tự do thương mại và đầu tư vào năm 2020".

Việt Nam cũng hy vọng góp phần hơn nữa vào việc mở rộng hợp tác nội khối, cải thiện vị thế của Diễn đàn này trên thế giới, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện những chương trình hợp tác, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, từng bước dỡ bỏ những rào cản thương mại và đầu tư theo đúng luật chơi.

Báo Khmer Times của Campuchia đăng bài viết của học giả Chheang Vannarith nhận định APEC hiện là cơ chế hợp tác kinh tế lớn nhất trên thế giới, chiếm 59% GDP, 48% thương mại toàn cầu và 53% nguồn đầu tư FDI. Với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", APEC 2017 đề ra 4 lĩnh vực ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác giữa 21 nền kinh tế thành viên, bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; làm sâu sắc thêm liên kết kinh tế khu vực; tăng tính cạnh tranh và sự sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo học giả Vannarith, những thách thức sắp tới của APEC đó là làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực mở cửa và mang tính bao trùm; đảm bảo các thảo thuận thương mại khu vực mở cửa và công bằng; việc giải quyết những thách thức bắt nguồn từ biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc gắn kết thương mại với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đánh giá về sự kiện APEC 2017, báo chí New Zealand dẫn lời Thủ tướng nước này Jacinda Arden nhận định khu vực APEC rất quan trọng đối với tương lai phát triển kinh tế của New Zealand và Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là dịp để tăng cường hơn nữa cam kết của New Zealand đối với khu vực này, cũng như góp phần tạo nền tảng cho các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khu vực của New Zealand.

Bà cũng khẳng định một trong những ưu tiên lần này là trao đổi về một số nội dung trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bà cho biết Chính phủ New Zealand đã cố gắng loại bỏ điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ ra khỏi thỏa thuận, theo đó điều khoản này cho phép các tập đoàn tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại việc chính phủ ban hành các quy định ảnh hưởng đến quyền lợi và đầu tư của họ.

TTXVN/Báo Tin Tức
APEC 2017: Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ cao
APEC 2017: Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ cao

Chiều 7/11, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit), hội thảo chuyên đề về nông nghiệp bền vững dưới sự điều phối của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Ariayana, thành phố Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN