Miền Trung, Tây Nguyên chống hạn

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết: Tại các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng mưa trong thời gian tới sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm; dòng chảy trên nhiều sông tiếp tục suy giảm. Thậm chí, một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.


Hàng chục ngàn ha cây trồng thiếu nước


Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, từ đầu năm đến nay, mức nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đang xuống dần và thiếu hụt so với nhiều năm. Các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mức trữ khoảng 75% dung tích thiết kế; khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ở mức 50%, thậm chí là ít hơn. Điển hình như Quảng Nam có tới 15/17 hồ có mức trữ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Các hồ chứa nhỏ tại Bình Định chỉ còn 55% dung tích thiết kế. Phú Yên có tới 5 hồ gần hết nước, các hồ còn lại đều có lượng nước thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Riêng Ninh Thuận có 10/45 hồ chỉ còn khoảng 30% dung tích; 35 hồ còn lại đã cạn kiệt.

 

Hồ Lắk (Đắk Lắk) bị cạn kiệt trong đợt hạn hán xảy ra hồi tháng 4/2013. Ảnh: Ngọc Hà- TTXVN

 


Trong khi đó, mực nước các hồ thủy điện cũng thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1 - 4 m. Tại một số tỉnh như Quảng Nam, Đắk Lắk, Ninh Thuận đã xuất hiện tình trạng khô hạn cục bộ.


Với các tỉnh Bắc Trung Bộ, tình trạng xâm nhập mặn cũng đang diễn ra khá nghiêm trọng. Cụ thể, sông Mã tại Quảng Châu (Thanh Hóa) có độ mặn lớn nhất với 26,7 phần nghìn. Còn trên các sông Thu Bồn, Vĩnh Diện, Thanh Quýt, Bàn Thạch, nước biển cũng xâm nhập khá sâu vào nội địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Kiểm tra thiệt hại, đề xuất phương án hỗ trợ

Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2284/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương chủ động chống hạn, mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chủ động chuyển đổi để trồng cây có khả năng chịu hạn ở vùng không đảm bảo nguồn nước; ưu tiêu cấp nước sinh hoạt cho người dân, các ngành công nghiệp, dịch vụ và gia súc. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, đề xuất phương án hỗ trợ cho các địa phương.


Theo Bộ NN&PTNT, đến giữa tháng 4, diện tích cây trồng thiếu nước tưới lên tới 23.000 ha; trong đó tập trung chủ yếu tại ba địa phương gồm: Ninh Thuận (3.000 ha), Đắk Lắk (5.800 ha) và Bình Phước (14.000 ha). Riêng khu vực Nam Trung Bộ do đã thu hoạch xong diện tích lúa đông xuân nên hạn hán không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Nếu tiếp tục không có mưa thì tình trạng thiếu nước, hạn hán sẽ tiếp diễn ở khu vực Nam Trung Bộ, xuất hiện trở lại ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng vụ hè thu và vụ mùa năm nay.


Chủ động chống hạn


Ông Lê Thanh Hải dự báo: “Từ nay đến đầu tháng 5, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục giảm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20 - 40%, có nơi thấp hơn đến 50%. Riêng mực nước trên sông Đăkbla tại Kon Tum cao hơn, nhưng không nhiều. Tình trạng hạn hán tiếp tục diễn ra tại khu vực trên”.


Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các tỉnh triển khai công tác chống hạn, mặn xâm nhập. Tổng cục cũng chỉ đạo các địa phương phối hợp với các nhà máy thủy điện điều tiết nước hợp lý về hạ du, tạo nguồn nước sinh hoạt và nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.


Chia sẻ về kinh nghiệm chống hạn, ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, là một tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt hạn hán này, Ninh Thuận đã khắc phục bằng cách chủ động điều tiết nguồn nước tưới. Quan trọng hơn, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa ở các vùng không chủ động được nước tưới. Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho biết, về lâu dài khó chống đỡ được do hạn hán vẫn đang tiếp diễn.

 


Huyền Tím

Hạn hán tại Tây Nguyên, Trung bộ tiếp tục kéo dài

Trao đổi với phóng viên Tin tức, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Phòng Dự báo khí tượng hạn vừa - hạn dài (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) cho biết, tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN