Miền Trung cần phát huy, khai thác lợi thế kinh tế biển

Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung vừa diễn ra vào trung tuần tháng 8/2014, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, kinh tế biển là thế mạnh của nước ta trong quá trình cạnh tranh và hội nhập, đặc biệt vùng duyên hải miền Trung là địa bàn có lợi thế nhất, cần được xem là vùng trọng điểm để Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về kinh tế biển.

 

Vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày giúp ngư dân miền Trung làm giàu - Ảnh minh họa

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, vùng duyên hải miền Trung vẫn là khu vực kinh tế kém phát triển, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu và thiếu đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo của cả vùng trên 17%, trong khi mức bình quân của cả nước chỉ xấp xỉ 8%; toàn vùng có 25/62 huyện nghèo nhất cả nước; cơ cấu kinh tế của các tỉnh trong vùng chuyển dịch theo hướng tích cực những còn chậm; tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 25 - 27% GDP, cao hơn mức trung bình của cả nước (18,4%); tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ của toàn vùng khoảng 73 - 75%, trong đó dịch vụ chiếm khoảng 37-38%...

 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần phân tích, làm rõ các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, những khó khăn thách thức trong phát triển kinh tế- xã hội, phát triển kinh tế biển. Từ đó, hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch tổng thế vùng, tăng cường kết nối hạ tầng, tạo sự liên kết chặt chẽ không gian kinh tế. Vùng cũng cần tìm ra các giải pháp cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt và bảo vệ môi trường ở quy mô vùng, có gắn các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, vùng cần chú trọng tìm kiếm các giải pháp về kết hợp phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và tạo cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.


Theo GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng; đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế theo định hướng. Cùng với đó, cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian bị chia cắt bởi địa giới hành chính...

 

Vùng cũng cần tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới; đồng thời cần tạo lập cơ chế, chính sách để thu hút mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển các chuỗi giá trị liên kết vùng, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, cần tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành đầu tàu, động lực lan toàn vùng ngoại vi và cả nước; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung.

 

Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh cần xây dựng thể chế kinh tế hiện đại, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế cho các khu kinh tế, nhất là đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới; phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ... gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; phát triển các hành lang, vành đai kinh tế, kết nối với các vùng trong nước và khu vực; hình thành trung tâm hợp tác phát triển kinh tế tại một số cửa khẩu; hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, vừa đảm bảo tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương.


Nhận định về biển miền Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ, miền Trung có lợi thế về biển nhưng lâu nay vẫn chưa ra biển mà chỉ mới loanh quanh gần bờ, chưa khai thác giá trị sản phẩm cao xa bờ. "Không những chưa ra biển, mà nhiều việc tôi thấy chúng ta còn quay lưng lại với biển. Lợi thế về vị trí địa lý kinh tế đấy nhưng hoạt động trung chuyển hàng hải và hàng không đều không có. Đó chính là ta không khai thác thế mạnh mà lao vào cái khó của miền Trung... ông Hoàng nhấn mạnh.


Về định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, theo TS. Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng cho rằng, cần xây dựng vùng duyên hải miền Trung trở thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía Đông và là hành lang thương mại quan trọng giữa hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, cũng như kết nối khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á, đóng góp vào tăng trưởng của toàn vùng và từng tỉnh trong vùng...

 

Trước mắt, khu vực cần ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; phát triển mạnh ngành khai thác và chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư... nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

 

Đặc biệt, cần thực hiện liên kết vùng một cách chặt chẽ, gồm phân bổ lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, các địa phương cần hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung của vùng. Phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn vùng; cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng; xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế- xã hội, đầu tư trên địa bàn.


TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, miền Trung chọn biển, chọn đại dương làm lối thoát hiện đại cho mình. Sự lựa chọn đó rõ ràng là đúng đắn về mặt thời đại, đồng thời phù hợp với sứ mệnh lịch sử tổ quốc giao. Cụ thế, việc phát triển câu cá ngừ đại dương bằng công nghệ cao với sự hỗ trợ của Nhật Bản, theo định hướng hội nhập quốc tế, là một cách diễn đạt tuyệt vời cho sự đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, hình thức trên mới chỉ là khai thác với tư cách là “ngành nông nghiệp", chưa phải khai thác tài nguyên biển theo lối công nghiệp, nên cần có những năng lực mới và phương thức hoạt động mới. Điều này, miền Trung đang rất thiếu.


Theo GS.TS khoa học Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trung ương nên cho phép vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có một số quy chế đặc thù vượt trội so với cả nước. Cụ thể, đất đai, các vịnh, cảng biển, bãi tắm… miền Trung là những tài sản quý giá nhất và nên sử dụng theo hướng mở cửa. Các tỉnh miền Trung có thể phát triển đô thị theo hướng xây dựng các đô thị hiện đại, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Để thực hiện được định hướng phát triển này cần có một số chính sách như: cho phép người nước ngoài được mua các biệt thự cao cấp có giá trị từ vài triệu USD trở lên; cho phép một số nhà đầu tư nước ngoài có chọn lọc liên doanh hoặc thuê dài hạn (70 năm) các hòn đảo ven biển để phát triển các dịch vụ cao cấp.


Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam khẳng định, sự chủ động liên kết, hợp tác giữa các địa phương là cần thiết nhưng cần có cơ chế và chính sách chung của Chính phủ, đặc biệt đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng điểm, phục vụ cho từng lĩnh vực cụ thể. Cụ thể như: nếu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được tập trung đầu tư để hoàn thành sớm thì sẽ tạo sự đột phá cho Khu Kinh tế Chu Lai và Dung Quất phát triển; nếu khu vực duyên hải miền Trung xây dựng được một trung tâm hậu cần nghề cá phục vụ cho đánh bắt và chế biến, thương mại hải sản thì ngành ngư nghiệp cũng sẽ thay đổi...


Điều quan trọng, khu vực cần tìm ra những giải pháp liên kết và tích cực đưa lý luận gắn với thực tiễn, đẩy mạnh vai trò lực lượng nòng cốt đó là cộng đồng doanh nghiệp, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, cùng đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của khúc ruột miền Trung.


Văn Sơn

Phú Yên hỗ trợ 72 tỷ đồng cho ngư dân khai thác xa bờ
Phú Yên hỗ trợ 72 tỷ đồng cho ngư dân khai thác xa bờ

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Phú Yên hỗ trợ gần 72,3 tỷ đồng cho ngư dân thực hiện 1.370 chuyến biển với nghề lưới vây, nghề câu, chủ yếu là câu cá ngừ đại dương ở vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN