MDEC Sóc Trăng: Tái cơ cấu nông nghiệp

Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) năm nay do tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức có chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhiều nét mới


Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, MDEC - Sóc Trăng 2014 sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện những giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thích ứng với biển đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội thảo khoa học về Bác sĩ nông học Lương Đình Của trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế hợp tác ĐBSCL – Sóc Trăng 2014 (Mdec Sóc Trăng 2014). Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Trao đổi, tập hợp sáng kiến tìm giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản, cây ăn quả. Trong đó tập trung vào những vấn đề bức xúc như: Quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản; trồng rừng phòng hộ gắn với xây dựng tuyến đê biển; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng và tiêu thụ sản phẩm ở các xã nông thôn mới; giải pháp tín dụng trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, MDEC -Sóc Trăng 2014 sẽ bàn giải pháp thực hiện Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu đài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Phấn đấu, đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.

Nét nổi bật của những kỳ MDEC gần đây là hàng năm thông qua chuỗi hội nghị, hội thảo để tập hợp các đề xuất, sáng kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước về cơ chế chính sách, giải pháp hiệu quả phát triển vùng ĐBSCL. Qua đó báo cáo đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng ĐBSCL; thực hiện công tác an sinh xã hội cho vùng.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Điểm nhấn của MDEC - Sóc Trăng 2014 gồm ba nội dung chính: Thứ nhất, đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết vùng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ 2, thông qua các hoạt động tại diễn đàn nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới, tăng cường hợp tác giữa vùng ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước; giữa vùng với các tổ chức, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Và cuối cùng là huy động các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội giúp đỡ những gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn và đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng ĐBSCL, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng ĐBSCL.

Thu hút đầu tư

Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương trong vùng đã tập hợp các sáng kiến, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chọn các lĩnh vực đột phá để đầu tư phát triển vùng, trong đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và nguồn nhân lực.

Tính đến tháng 9/2014 tại ĐBSCL đã có 903 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 11,8 tỷ USD, chiếm gần 5,3% về số dự án và 4,9% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước. Đứng đầu là tỉnh Long An với 536 dự án, tổng vốn đầu tư là 4,09 tỷ USD, tiếp đến là Kiên Giang có 36 dự án, tổng vốn đăng ký là 2,92 tỷ USD. Đứng thứ 3 là Tiền Giang, thu hút 63 dự án với tổng vốn đầu tư 1,38 tỷ USD.

Hiện nay hệ thống giao thông thủy, bộ, hàng không vùng ĐBSCL tuy còn yếu, nhưng bước đầu đã được đầu tư, nâng cấp cải tạo so với 10 năm về trước, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại cho nhân dân. Lĩnh vực tiếp theo cần đầu tư là kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, nuôi trồng và chế biến lúa gạo, thủy hải sản và trái cây. Và cuối cùng là đầu tư kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực vùng ĐBSCL. Qua đó quảng bá được hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa, tiềm năng thế mạnh của vùng trong nước và ngoài nước.

Cũng theo ông Nguyễn Phong Quang, việc tổ chức thành công Tuần lễ ĐBSCL tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 với những hoạt động thiết thực, thu hút sự quan tâm của nhân dân thành phố và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã mở ra cơ hội và tiền đề tốt cho hoạt động MDEC. Hàng năm trong các diễn đàn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thường mời hơn 20 tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự một số nước tham gia Diễn đàn (tùy chủ đề hàng năm).

Bên cạnh đó, thông qua các chuyến công tác nước ngoài, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã kết hợp quảng bá về vùng ĐBSCL về Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL, xúc tiến, kêu gọi hợp tác đầu tư với các nước, các tổ chức quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, Hà Lan, Ý, Đức... Nhìn chung, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL đã được các địa phương trong cả nước biết đến và tham gia rất tích cực; một số tổ chức quốc tế, một số quốc gia đã biết về vùng ĐBSCL, về MDEC và đã nghiên cứu, tìm hiểu để xúc tiến đầu tư, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Có thể nói, cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của các địa phương trong vùng, thì hoạt động của MDEC hàng năm đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thương mại và du lịch vùng ĐBSCL. Thông qua Diễn đàn, các địa phương trong vùng đã giới thiệu môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi đầu tư và cơ hội đầu tư, tiếp cận được với một số tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước…


Xuân Quang - Bích Liên


10 năm Tây Bắc đồng hành cùng đất nước
10 năm Tây Bắc đồng hành cùng đất nước

Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có điều kiện tự nhiên vô cùng khó khăn, khắc nghiệt nhưng cũng đầy tiềm năng hứa hẹn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN