Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có điều kiện tự nhiên vô cùng khó khăn, khắc nghiệt nhưng cũng đầy tiềm năng hứa hẹn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. 30 dân tộc thiểu số cùng sinh sống đan xen đã tạo cho vùng khá đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, đời sống kinh tế - xã hội của vùng đã có bước phát triển. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Song Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều yếu kém, trình độ dân trí còn có những hạn chế. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi khó khăn, hạn chế yếu kém của ta để mưu đồ các mục đích chính trị đen tối, kích động thù hận, ly khai, tự trị; lôi kéo một số người mơ hồ, nhẹ dạ, cả tin theo các luận điệu lừa bịp tham gia lực lượng chống đối.
Nhiều thành tựu đáng ghi nhậnTrước tình hình trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Tiếp đó, ngày 24/8/2004 Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhằm giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ trong kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, nhất là việc thực hiện Nghị quyết 37; tham mưu, đề xuất và phối hợp các lực lượng chức năng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn vùng Tây Bắc.
Đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc thăm, tặng quà các hộ gia đình nghèo, khó khăn tại xã Đức Xuân, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.Ảnh: Lê Sơn |
Cùng với việc kiện toàn bộ máy, địa bàn hoạt động được mở rộng, chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương Đảng giao phó không ngừng được nâng lên. Nhiều vấn đề bức xúc và các vấn đề được xã hội quan tâm đã được Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng cùng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ và cùng tổ chức thực hiện. Nhiều phương án quy hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị được Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề xuất, tham mưu, phối hợp triển khai đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước… Hoạt động xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức, đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với hàng ngàn tỷ đồng vào vùng Tây Bắc. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân bằng tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ cho vùng hàng trăm tỷ đồng để giúp đồng bào nghèo có cơ hội thoát nghèo.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự điều hành đúng đắn của của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành Trung ương và của Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong vùng, Tây Bắc tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2005 - 2013 toàn vùng đều đạt trên 10%, cao hơn mức tăng trưởng tại Nghị quyết 37-NQ/TW đề ra từ 1 - 2%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Vốn đầu tư phát triển tăng nhanh, bình quân hàng năm tăng khoảng 21%, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng khoảng 24%, tập trung chủ yếu cho xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, khai thác tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình liên kết giữa các địa phương trong vùng; liên kết giữa các địa phương trong vùng với các địa phương ngoài vùng; liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân; liên kết giữa doanh nghiệp với nhà khoa học, nhà quản lý và hộ nông dân đem lại hiệu quả cao.
Năm 2004, địa bàn hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc ở 9 tỉnh, đến năm 2007 mở rộng thêm 4 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ; đến năm 2010 bổ sung thêm tỉnh Tuyên Quang, nâng tổng số các tỉnh thuộc phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc lên 14 tỉnh. |
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và có bước cải thiện rõ rệt, hầu hết các tuyến đường giao thông huyết mạch và công trình trọng điểm đã và đang được đầu tư, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Toàn vùng đã cải tạo, nâng cấp 3.675 km quốc lộ; các tuyến đường liên tỉnh, huyện, đường đến trung tâm xã được tập trung đầu tư bằng nhiều hình thức huy động vốn.
Các tuyến đường tuần tra biên giới được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh các xã khu vực biên giới. Nhiều công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng. Đến nay có hơn 800 công trình cấp nước tập trung và nhiều công trình cấp nước phân tán đã hoàn thành, phục vụ cho trên 1,5 triệu người, đưa tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh lên 78,2%; có 97% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt gần 90%; 63,4% số phòng, lớp học được kiên cố hóa.
An ninh lương thực được đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 21,5 triệu đồng, tăng 5,5 lần so với năm 2004. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 là 42,36%, đến cuối năm 2013 giảm còn 22,5%, dự ước trong năm 2014 sẽ giảm khoảng 3 đến 4%. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới; một số tỉnh có các dự án thủy điện lớn đã cơ bản hoàn thành sắp xếp dân cư, đời sống người dân đang dần đi vào ổn định. Công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng và phát triển, đến nay 100% tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt từ 90 - 95%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, tỷ lệ xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế là 67,8%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 58,2%. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao không ngừng phát triển; bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được duy trì và phát huy.
Giữ vững an ninh chủ quyền biên giớiTrong 10 năm qua, an ninh chính trị vùng Tây Bắc được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được bảo đảm. Công tác quân sự - quốc phòng địa phương được tăng cường; hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Các tỉnh đã chủ động và tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm hình sự; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đấu tranh có hiệu quả và làm thất bại âm mưu tuyên truyền, lôi kéo đồng bào nhằm thành lập “Nhà nước Mông” của các thế lực thù địch và lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đảm bảo giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Hệ thống chính trị các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Năng lực điều hành và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp từng bước được nâng lên. Sự phối hợp hoạt động giữa HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ các cấp thường xuyên được tăng cường, đảm bảo nguyên tắc, đúng luật định. Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ ở các địa phương được nâng lên.
Những thành tựu mà Ban Chỉ đạo Tây Bắc đạt được trong hơn 10 năm qua đã để lại những dấu mốc trong sự phát triển chung của toàn vùng trong sự đồng hành chung của cả nước.
Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc