Tính đến ngày 10/9, toàn bộ các ổ dịch tả lợn châu phi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã được khống chế thành công. Tuy nhiên, ngành chức năng cảnh báo nguồn vi rút gây bệnh vẫn còn khả năng lưu hành và có nguy cơ tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, sở đã yêu cầu phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến việc hỗ trợ heo giống trên địa bàn; trong đó, các địa phương phải lưu ý đảm bảo phương châm “tái đàn nhưng không để tái dịch”; quy định rõ trách nhiệm của địa phương cấp xã và các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ gia súc, gia cầm nếu để phát sinh, lây lan dịch bệnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về việc tái đàn lợn trên địa bàn phải gắn liền với chăn nuôi lợn an toàn sinh học, không tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát, dễ làm phát sinh dịch bệnh.
Bà Giang yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi khi tái đàn lợn cần chọn mua con giống khỏe mạnh, sạch bệnh và có nguồn gốc rõ ràng tại các cơ sở chăn nuôi uy tín (có kê khai hoạt động chăn nuôi, kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và có giấy chứng nhận kiểm dịch đối với các trường hợp mua con giống ngoài tỉnh). Người chăn nuôi chủ động nâng cấp, sửa chữa chuồng trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tiêu độc, sát trùng thường xuyên trước, trong quá trình nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, cần tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn lợn, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương cấp xã và ngành thú y khi phát hiện việc mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc để xử lý theo quy định.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh Hậu Giang, đơn vị đang khẩn trương thực hiện thủ tục mua sắm và tổ chức triển khai thực hiện việc tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi, đồng thời tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024. Ngoài ra, đơn vị đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt điều tra tổng đàn; hướng dẫn người dân kê khai hoạt động chăn nuôi, giám sát dịch bệnh; tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 11/7/2024, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang xảy ra 2 ổ dịch tả lợn châu Phi (ở xã Hoả Lựu và xã Vị Tân) ở 16 hộ chăn nuôi thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024; tổng số lợn chết, tiêu hủy là 133 con với trọng lượng 2.498 kg. Đến ngày 20/8, trên địa bàn huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang tiếp tục xảy ra 1 ổ dịch tả lợn châu Phi; tổng số lợn chết, tiêu hủy đến thời điểm báo cáo là 61 con với trọng lượng 1.589 kg. Các ổ dịch này đã được khống chế thành công.