Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Luật Thủy lợi có nhiều điểm mới mang tính chất đột phá và điều kiện triển khai luật đã hoàn thiện. Khi luật được triển khai, ngành thủy lợi sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đập Cà Ha (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Điểm mới quan trọng nhất của luật là quy định chuyển từ ''phí'' sang ''giá'' sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi ''phục vụ'' sang thủy lợi ''dịch vụ'', gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; đồng thời giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Việc chuyển từ "phí" sang "giá" để thủy lợi từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường. Vấn đề quan trọng vẫn là phải quy định giá nước, nhưng Việt Nam lại có ít kinh nghiệm cũng như cơ sở khoa học trong quy định giá nước nhằm đảm bảo đúng cơ chế thị trường, phản ánh đúng thực tế hệ thống công trình thủy lợi.
Để làm được điều này, Tổng cục Thủy lợi đang phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện và nhờ sự giúp đỡ của Australia, Hà Lan triển khai tại Bắc Ninh, Lâm Đồng...
Điểm mới tiếp theo là xã hội hóa trong công trình thủy lợi với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực từ tư nhân cho lĩnh vực này. Theo đó, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn; công trình thủy lợi khó huy động các nguồn lực xã hội; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm đầu tư xây dựng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, nhưng có chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi xây dựng.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, thực hiện được nội dụng này sẽ thu hút được kinh phí từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, thủy lợi có đặc thù bởi phần lớn phục vụ dịch vụ công ích (sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai…) nên việc huy động tham gia cũng rất khó khăn.
Hiện nay, một số công trình như: cấp nước sinh hoạt, cấp nước nông nghiệp cho cây cà phê, tiêu, điều, cây ăn quả… đã có một số nhà đầu tư quan tâm. Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là sẽ đầu tư các công trình đầu mối, hệ thống chính và các doanh nghiệp sẽ đầu tư hệ thống kênh, tưới… Nếu làm được như vậy sẽ thu hút được thêm nguồn lực tư nhân, những công trình mà tư nhân đầu tư sẽ phát huy hiệu quả và bền vững.
Điểm mới nữa của luật là tăng cường chống vi phạm công trình thủy lợi, đặc biệt là việc xả thải ra công trình thủy lợi. Luật Thủy lợi đã quy định ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Hiện nay, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi cung cấp các dịch vụ ngoài việc đảm bảo về số lượng cần đảm bảo về chất lượng, kể cả cho cây trồng, thủy sản, chăn nuôi… bởi chúng ta đang chuyển sang nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch; trong đó, đầu vào có chất lượng nước là rất quan trọng.
Do đó, ngành sẽ phối hợp với ngành tài nguyên môi trường để nguồn nước trong các thống sông, công trình thủy lợi được đảm bảo chất lượng, ông Tỉnh cho biết.
Bảo vệ và đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, đặc biệt là đập, hồ chứa nước cũng là một trong những điểm mới của luật. Theo đó, Luật Thủy lợi làm rõ trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ công trình và tổ chức, cá nhân khai thác hồ chứa phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho đập, hồ chứa nước và đây là ưu tiên cao nhất trong quản lý, khai thác.