Nhưng người nông dân đang cảm thấy khá lo lắng, bởi lúa Đông Xuân sớm năm nay thất thu nhiều, giá lúa bán ra thị trường lại thấp, trong khi chi phí đầu tư cho một vụ lúa lại cao, thu hoạch không đủ trả chi phí.
Tại huyện Thuận Nam, hiện trà lúa Đông Xuân sớm đang bắt đầu chín rộ; trong đó, có nhiều diện tích đang được người nông dân thu hoạch. Tuy nhiên, nhìn vào trà lúa có thể thấy rõ sự lo lắng của người nông dân nơi đây, đó là hầu hết diện tích lúa đều bị sâu, rầy gây hại từ 20 - 30%, gây lem lép hạt nhiều, thu hoạch trung bình chỉ đạt 5 tạ/1.000 m2, thất thu trên dưới khoảng 3 tạ/1.000 m2 so với cùng kỳ vụ Đông Xuân sớm năm 2021.
Nhiều hộ nông dân ở xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) chia sẻ, từ lúc bắt đầu gieo sạ cho đến khi lúa trổ, thời tiết xấu (gió, lạnh) liên tục xảy ra và kéo dài đã tác động, gây nhiều hệ lụy đến chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Nông dân đầu tư rất nhiều vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ tác hại của sâu bệnh nhưng không thấm vào đâu.
Nhận thấy thời tiết xấu, ngay từ đầu vụ, mặc dù người nông dân bỏ công chăm sóc và đầu tư khá nhiều nhưng đến giai đoạn trổ bông, lúa vẫn bị sâu, rầy phá hoại, nhất là sâu đục thân gây hại làm lúa bị lem lép hạt tương đối nhiều, dẫn đến mất năng suất.
Ông Châu Vũ, ở xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam tính toán, năm nay do giá cả vật tư tăng cao nên để đầu tư cho 1.000 m2 lúa cũng khá tốn kém. So với cùng kỳ năm trước, 1.000 m2 lúa chỉ đầu tư hết thảy trên dưới khoảng 2,5 triệu đồng nhưng năm nay phải đầu tư gần như gấp đôi. Mặc dù vậy, thu hoạch lúa năm nay lại không bằng vụ cùng kỳ năm trước, dù lúa có bị bệnh hay không có bệnh. Nếu như vụ Đông Xuân 2021, năng suất lúa đạt trên dưới 8 tạ/1.000 m2 và giá bán lúa ướt từ 6.800 - 7.300 đồng/kg thì vụ này năng suất chỉ khoảng 5 tạ/1.000 m2 và giá bán hiện cũng chỉ 5.200 đồng/kg, trong khi giá phân bón lại tới 10.000 đồng/kg tùy loại, tăng nhiều so với năm trước.Vì lẽ đó, thu hoạch lúa bán không đủ trả chi phí đầu tư.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, đối với tỉnh, vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính trong năm. Người nông dân cũng rất kỳ vọng bội thu sản xuất, thế nhưng do từ đầu năm thời tiết bất lợi tác động nên lúa vụ Đông Xuân sớm không phát triển tốt cộng với sâu bệnh gây hại, vì thế lúa không đạt năng suất cao.
Hiện nay, lúa vụ Đông Xuân sớm chỉ mới bắt đầu thu hoạch nhưng giá thu mua đã thấp. Nếu trong tuần tới, người dân thu hoạch rộ, giá lúa chắc chắn sẽ còn xuống thấp hơn nhiều. Chính vì lý do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích nông dân nên tranh thủ thu hoạch sớm, không chờ giá tăng lên mới thu hoạch, điều đó sẽ gây thất thu hơn nhiều.
Vụ Đông Xuân 2021-2022, tỉnh Ninh Thuận sản xuất với tổng diện tích hơn 27.000 ha; trong đó, lúa hơn 17.800 ha. Riêng lúa vụ Đông Xuân sớm, nông dân đang bắt đầu thu hoạch với diện tích khoảng 1.400 ha, chủ yếu là các giống lúa xác nhận ML 202; TH 41; TH6…