Những ngày cuối tháng 7 này, bà con tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang hối hả thu hoạch vụ lúa hè thu. Át đi sự mệt nhọc là những nụ cười “tỏa nắng” khi lúa vừa đầy bồ hơn mọi năm mà còn bất ngờ có giá cao.
Giá lúa tăng nhanh
Đầu vụ hè thu năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) mạnh dạn đầu tư vốn liếng xuống giống hơn 3 ha đất ruộng. Thông thường, điều kiện thời tiết sản xuất vụ hè thu không thuận lợi vì rơi vào đúng mùa mưa lụt của ĐBSCL nên chi phí đầu vào thường tăng hơn các mùa vụ khác mà năng suất, chất lượng cũng không cao. Tuy nhiên, vụ hè thu năm nay, sản xuất lúa thuận lợi hơn và diễn biến thị trường thu mua cũng thuận lợi nên người nông dân cũng trút được nhiều gánh nặng. “Năm nay, ngay từ đầu vụ, giá lúa đã có xu hướng lên và năng suất lại cao nên tính ra nhà nông có lời dư dả hơn mọi năm”, chị Thu cho hay.
Thu hoạch lúa hè thu sớm tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá lúa khô loại thường bán tại kho trong khu vực đang dao động từ 5.400 đến 5.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 5.600 đến 5.700 đồng/kg. Riêng lúa tươi giá bán tại đồng dao động từ 4.700-5.000 đồng/kg tuỳ loại và so với giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm nay ở mức 4.200 đồng/kg, nông dân thu lãi khoảng 20 triệu đồng/ha trở lên. Giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh thành trọng điểm về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của ĐBSCL như: Cần Thơ, An Giang…. cũng đang tăng nhanh. Khảo sát sơ bộ của phóng viên, hiện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã tăng giá mua vào từ 7.300 - 7.400 đồng/kg loại IR 50404, 9.000 - 9.100 đồng/kg đối với các giống hạt dài, tăng gần 1.000 - 1.300 đồng/kg so với tháng 6.
Tính đến thời điểm 20/7, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 1 triệu ha lúa hè thu, chiếm khoảng 60% diện tích đã gieo sạ, đạt năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, trong đó nhiều tỉnh, thành như: Cần Thơ, An Giang… đạt năng suất từ 6 - 6,7 tấn/ha. Tính toán của ngành nông nghiệp, với năng suất trên, ước tổng sản lượng cả vụ đạt 9,5 triệu tấn, tăng gần 200.000 tấn so với vụ hè thu năm 2013, góp phần nâng sản lượng lúa đông xuân và hè thu năm 2014 đạt 20,5 triệu tấn, bằng 82% kế hoạch năm.
Xuất khẩu thuận lợi
Việc xuất khẩu gạo thuận lợi là yếu tố tích cực hỗ trợ làm tăng giá lúa vụ hè thu. Theo VFA hiện giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh và đắt hàng. Cụ thể, gạo 5% tấm được chào bán với giá 430-440 USD/ tấn, gạo 25% tấm có giá 385-395 USD/tấn, gạo thơm Jasmines, có giá 595-605 USD/tấn, tăng 10 - 15 USD/tấn so với giữa tháng 6. “Trong khi đó thông tin Philippines sẽ tổ chức đấu thầu mua 500.000 tấn gạo trong vòng 3 tuần tới, có thể vào ngày12/8 tới đây đã làm cho giá thu mua lúa trở nên nóng sốt hơn. Với lượng gạo nhập bổ sung này, dự kiến nhập khẩu gạo năm nay của Philippines sẽ đạt con số 1,3 triệu tấn”, ông Lâm Anh Tuấn, GĐ Công ty TNHH Thịnh Phát cho hay.
Đánh giá của các chuyên gia trong ngành, với việc Trung Quốc khởi động lại việc mua gạo và các doanh nghiệp tăng cường thu mua phục vụ những đơn hàng xuất khẩu dồn dập từ đây đến cuối năm 2014 đã đẩy giá gạo tăng lên từng ngày. Tình hình thu mua càng “nóng bỏng” và có lợi cho nhà nông hơn khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang phải cạnh tranh gay gắt với thương lái và các doanh nghiệp khác để tăng tốc thu mua gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo ông Tuấn, chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất sang thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 1,3 triệu tấn, gần bằng số lượng cả năm 2013 và sức cầu vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong những tháng cuối năm.
Nhìn về những tháng cuối năm, nhiều doanh nhiệp cho rằng các nước sẽ tiếp tục gia tăng lượng nhập khẩu gạo của Việt Nam. Mặc dù Philippines chưa nhận đủ 800.000 tấn gạo theo hợp đồng cũ nhưng đã quyết định mua thêm. Tương tự Malaysia cũng vừa quyết định mua của Việt Nam 200.000 tấn, nhận trong tháng 7 và 8/2014. Riêng Inđônêxia cũng vừa thông báo nước này đã thông qua hợp đồng nhập khẩu 50.000 tấn gạo từ Việt Nam.
Trong khi đó “đối thủ” xuất khẩu gạo của Việt Nam là Thái Lan đã tạm dừng bán ra để kiểm kê kho, còn “cường quốc” xuất khẩu gạo đang lên Ấn Độ do mất mùa nên lượng xuất khẩu giảm khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Vì thế, theo các chuyên gia lương thực, khác với bức tranh có phần ảm đạm 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới, ít nhất cho đến tháng 10/2014.
Lê Nghĩa