Lối thoát cho nghịch lý thức ăn chăn nuôi

Là một nước nông nghiệp, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Nghịch lý này tồn tại đã nhiều năm, khiến cho giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục biến động, gây thiệt hại cho người nông dân.


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu tới 8 triệu tấn nguyên liệu cho ngành chế biến TĂCN.


Nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu


Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, giá TĂCN trong nước đã tăng 2,3%. Nguyên nhân là do nước ta phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu TĂCN. Các loại nguyên liệu giàu đạm như: khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá và các khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập khẩu tới 90%.


Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.


Theo các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam là quốc gia “đất chật, người đông”. Do vậy, việc bố trí cây trồng phải phù hợp với từng giai đoạn. Trước năm 2000, việc trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu là vấn đề quan trọng nhưng đến một mức nào đó thì chúng ta phải chuyển dần sang các cây trồng khác, tạo nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến TĂCN như ngô, đậu tương, cỏ cho bò sữa, bò thịt...


Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng là hệ quả tất yếu của việc thiếu tầm nhìn trong quy hoach. Việt Nam đã không chủ động được nguồn nguyên liệu TĂCN, không quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu và không đầu tư giống, kỹ thuật cho các loại cây trồng này.


Và việc này đã trực tiếp ảnh hưởng tới người nông dân. Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, gia đình anh đang phải giảm quy mô đàn lợn là do giá lợn xuất chuồng ở mức thấp trong khi giá TĂCN lại tăng liên tục. “Thời gian gần đây, khi giá lợn xuất chuồng tăng thêm được 4.000 - 5.000 đồng/kg, thì giá TĂCN cũng tăng theo. Mỗi bao cám 20 kg có giá tới 285.000 đồng, tăng 4.000 - 5.000 đồng/bao so với tháng trước”, anh Lâm cho biết.


Bên cạnh đó, hiện các hộ chăn nuôi trong nước còn phải chịu 5% thuế VAT khi mua TĂCN, làm đội giá sản phẩm thêm khoảng 1.500 đồng/kg. “Trong khi đó, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài như CP, Japfa... được đầu tư khép kín từ con giống, thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm nên chi phí giá thành rẻ hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, các hộ chăn nuôi rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết.


Ngoài ra, giá TĂCN còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang chiếm tới 65% thị phần sản xuất TĂCN. Theo các chuyên gia phân tích, chỉ cần bán TĂCN với giá 8.000 đồng/kg, các doanh nghiệp này đã có lãi nhưng hiện trên thị trường giá TĂCN đều trên 11.000 đồng/kg.


Tầm nhìn quy hoạch


Để ổn định thị trường TĂCN, về lâu dài Việt Nam phải tự chủ được nguồn nguyên liệu, hạn chế ngoại nhập.


Trong tháng 8/2013, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm từ 0,8 - 12,5% so với tháng 7. Cụ thể, giá ngô giảm 12,5% (còn 6.615 đồng/kg); bột cá giảm 1,8% (còn 28.250 đồng/kg); sắn lát giảm 1,7% (còn 6.090 đồng/kg); khô dầu đậu tương giảm 0,8% (còn 13.650 đồng)... Tuy nhiên, giá TĂCN thành phẩm vẫn tăng. Ví dụ, giá thức ăn cho gà thịt là 11.681 đồng/kg, tăng 1%; giá thức ăn cho lợn thịt là 10.536 đồng/kg, tăng 1,2%...

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Phạm Ðồng Quảng, trong định hướng triển khai ngành trồng trọt đến năm 2020, Cục Trồng trọt đề xuất tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu ha lên 1,5 triệu ha, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào áp dụng sản xuất để tăng năng suất. “Để thực hiện được việc này, chúng ta sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô ở khu vực miền Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, Ðông Nam Bộ”, ông Quảng nói.


Về thức ăn xanh cho gia súc, Cục trồng trọt cho rằng, các địa phải có phương án mở rộng diện tích trồng cỏ ở vùng miền núi, tận dụng nơi hoang hóa, đất lúa, đất rừng kém hiệu quả để trồng cỏ cho đàn trâu, bò.


Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trước mắt, Chính phủ cần giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu TĂCN. Bên cạnh đó, Chính phủ nên hỗ trợ về tài chính với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến các loại nông sản để sản xuất TĂCN.


Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần thay đổi cơ cấu sản xuất, tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất TĂCN, tránh tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ví dụ, đưa công nghệ vào chế biến các loại rơm rạ, bã mía thành thức ăn hỗn hợp cho gia súc; gạo kém chất lượng chế biến thành thức ăn chăn nuôi.



Phi Sơn

Thức ăn chăn nuôi: Cần chính sách dài hạn
Thức ăn chăn nuôi: Cần chính sách dài hạn

Nếu không có quy hoạch cụ thể, trong những năm tiếp theo, chúng ta vẫn phải dành một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu nguyên liệu cho TĂCN - ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Tin Tức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN