Nếu không có quy hoạch cụ thể, trong những năm tiếp theo, chúng ta vẫn phải dành một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu nguyên liệu cho TĂCN - ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Tin Tức.
*Là nước nông nghiệp nhưng vì sao Việt Nam vẫn phải dành một khoản ngoại tệ lớn để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN, thưa ông?
Trong năm 2012, Việt Nam xuất khẩu gạo được 3,7 tỷ USD, nhưng phải nhập khẩu tới trên 2,5 tỷ USD nguyên liệu cho TĂCN. Kết quả này xuất phát từ việc nhiều năm nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới việc trồng các cây nguyên liệu dùng để sản xuất TĂCN.
Thực tế, từ hơn chục năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nước ta rất chậm. Đó là do chúng ta thiếu tầm nhìn chiến lược. Ví dụ, chúng ta phải dành đất để trồng cỏ nuôi bò sữa, vì hiện nay đang phải nhập một lượng sữa rất lớn.
Thứ hai, ngành nông nghiệp phải tính đến việc dành diện tích trồng ngô. Hàng năm, Việt Nam phải nhập tới 1,5 triệu tấn ngô để sản xuất TĂCN. Bên cạnh đó, nước ta cũng không có thế mạnh về một số cây trồng làm nguyên liệu chế biến TĂCN. Ví dụ, với đậu tương, diện tích trồng cây này trong 5 năm nay vẫn không thay đổi, thậm chí còn giảm. Hiện chúng ta có khoảng 190.000 ha đậu tương, năng suất thấp nhất thế giới. Năm ngoái, chúng ta phải nhập 2,4 triệu tấn khô dầu đậu tương và 1,2 triệu tấn đậu tương. Trong khi đó, sản lượng đậu tương trong nước chỉ khoảng 200.000 tấn, tương đương 6%.
Ngoài những nguyên liệu chính trên, nước ta còn phải nhập tới 90% các chất phụ gia cho TĂCN.
* Việt Nam cần làm gì để hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập, thưa ông?
Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp phải quy hoạch lâu dài các vùng trồng cây nguyên liệu cho TĂCN.
Ví dụ, hiện Việt Nam có trên 1 triệu ha ngô, năng suất bình quân 4 tấn/ha. Chúng ta phải phấn đấu tăng diện tích trồng ngô lên 1,7 triệu ha, đồng thời áp dụng các giống mới để đưa năng suất lên 7 tấn/ha, giống như các nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phải đầu tư công nghệ hiện đại cho khâu thu hoạch và chế biến. Tôi cho rằng, ngành nông nghiệp phải thực sự chú ý tới những việc này.
Năm nay, Bộ Nông nghiệp sẽ đưa thêm 200.000 ha để trồng ngô, nhưng nếu làm không cẩn thận thì lại thất bại. Vì tất cả các vùng trồng ngô đều thu hoạch vào mùa mưa. Nếu ngành nông nghiệp không đầu tư khâu sấy khô thì nấm mốc sẽ phát triển, làm hỏng nguyên liệu.
Do đó, cần khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến ngô bằng cách cho vay không lãi để đầu tư các hệ thống sấy khô; giúp nông dân ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy. Ngành phải chỉ đạo quyết liệt vấn đề này.
Về lâu dài, chúng ta có thể chuyển dịch một số diện tích đất trồng lúa sang trồng ngô, trồng cỏ... để khỏi phải nhập khẩu nguyên liệu. Ví dụ, ở Mộc Châu hiện nay, nhiều hộ dân đã tự túc được nguồn thức ăn cho bò sữa, từ đó mà thu nhập từ nuôi bò sữa cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Còn riêng đối với khô dầu đậu tương, chúng ta không có thế mạnh (thổ nhưỡng không phù hợp) nên vẫn phải nhập khẩu. Đối với chất phụ gia dùng để sản xuất TĂCN, bản thân ngành nông nghiệp không thể làm được thì phải kết hợp với các doanh nghiệp công nghiệp để sản xuất ra các chất này.
´Có ý kiến cho rằng, giá TĂCN hiện do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thao túng. Có đúng như vậy không, thưa ông?
Hiện các doanh nghiệp sản xuất TĂCN nước ngoài chiếm tới 65% thị phần, nhưng nói các doanh nghiệp này đang thao túng giá là không chính xác. Bởi vì bản thân các doanh nghiệp này cũng cạnh tranh với nhau, nếu DN nào bán giá đắt hơn thì người dân sẽ chuyển sang mua của doanh nghiệp khác.
Theo tính toán của tôi, trong 3 năm qua, giá TĂCN tăng khoảng 15%. So với giá cả thị trường thì mức tăng này là chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu chúng ta tự túc nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN thì mới ổn định được giá cả, thị trường TĂCN.
P.V