Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ được bố trí 2 cửa thu phí ETC. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc triển khai thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng là chủ trương bắt buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham giao giao thông và đảm bảo minh bạch trong quá trình thu giá dịch vụ (phí) sử dụng đường bộ.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để phát triển hạ tầng công nghệ giao thông, minh bạch hóa thu phí, Bộ đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 1 đơn vị là Công ty cổ phần VETC là đủ điều kiện trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Nhà đầu tư này có đầy đủ các cơ sở thủ tục pháp lý, chứng minh được năng lực để trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ ETC.
Dự án thu phí tự động không dừng do VETC đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải cho phép triển khai từ năm 2016 và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài từ 2016 - 2019, áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu - Kinh doanh). Trong đó, 28 trạm thu phí trên toàn quốc sẽ áp dụng thu phí tự động từ 1 - 2 làn, giai đoạn sau 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.
Dịch vụ thu phí tự động của VETC được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Công nghệ RFID đã được chứng minh có độ chính xác cao trong lĩnh vực thu phí tự động tại các nước có nền giao thông tương tự Việt Nam như Malaysia và Singapore...
Về nguyên tắc hoạt động của công nghệ này, ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng giám đốc VETC (phục trách công nghệ) cho hay, mỗi chip nhớ được gắn tại thẻ E-tag sẽ chứa một mã số mang thông tin về xe và chủ xe đang lưu thông. Khi xe đi qua trạm thu phí thì đầu đọc được bố trí xung quanh trạm sẽ đọc mã số này và truyền về trung tâm điều hành.
“Tại trung tâm điều hành, các phần mềm sẽ tự động đối chiếu các thông tin về xe và kiểm tra tài khoản của chủ xe. Nếu các thông tin hợp lệ và số tiền trong tài khoản đủ cho chuyến đi thì sẽ tự động trừ số tiền qua trạm của xe tương ứng, ngoài ra chương trình cũng gửi số tài khoản còn lại cho chủ xe biết”, ông Luyện chia sẻ.
Giải thích thêm về quá trình thu phí tự động, ông Đức cho biết, trong các tình huống: Xe không có thẻ E-Tag đi nhầm vào làn thu phí tự động, nhiều xe cùng qua trạm (trường hợp lưu lượng phương tiện lớn, gồm cả xe có thẻ E-Tag và không có), xe có thẻ E-Tag nhưng tài khoản hết hoặc không đủ tiền thì hệ thống thu phí tự động đều có thể dễ dàng phân loại.
Điều đặc biệt là toàn bộ thông tin về thu phí sẽ được ghi nhận và lưu trữ giúp 3 chủ thể liên quan là nhà đầu tư BOT, chủ phương tiện và cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi trực tiếp các giao dịch ngay lập tức.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc VETC cho biết, theo tính toán mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm từ 7-8% nhiên liệu. Nếu áp dụng thu phí không dừng sẽ tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu khoảng 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông tương ứng 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm…. Tổng cộng, lợi ích kinh tế - xã hội khi áp dụng hệ thống thu phí không dừng trên cả nước là khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ này cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường; giảm tốc độ dừng xe và tăng tốc trở lại nên tăng tuổi thọ động cơ; giúp kiểm soát tải trọng xe quá tải qua đó tiết kiệm được chi phí sửa chữa; rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt.
Đánh giá về ý nghĩa khi thực hiện công nghệ thu phí không dừng, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, việc áp dụng công nghệ này về mặt quản lý nhà nước sẽ có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước. Từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại như quản lý đăng kiểm xe, quản lý đăng ký xe chính chủ, xử phạt nguội giao thông, theo dõi điều tra các xe bị mất trộm hoặc phục vụ điều tra của cơ quan chức năng…
Xét về mặt đầu tư, theo các chuyên gia kinh tế, so với trạm thu phí cố định hiện nay thì chi phí đầu tư thu phí không dừng giảm cả về hạ tầng và nhân lực, đặc biệt là tiết kiệm được khoản chi phí in vé giấy. Đây cũng được xem là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ này sẽ soạn thảo một lộ trình thích hợp để triển khai thu phí không dừng. Trước mắt, vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí thủ công và tự động.
“Để việc thu phí tự động không dừng được triển khai đồng bộ trên cả nước, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ xây dựng một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng cho tất cả dự án đang và sẽ triển khai”, bà Nga cho hay.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện, khẳng định: “Cho đến thời điểm hiện nay, các giải pháp thu phí và công nghệ thu phí không dừng của VETC được đánh giá là tối ưu, minh bạch, dễ vận hành nhất”.