Những ngày này, gần 150 hộ sản xuất bánh đa nem tại Thiệu Châu đang gấp rút huy động toàn bộ nhân lực chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh dịp tết Nguyên Đán Canh Tý 2019 sắp tới.
Là một hộ gia đình có truyền thống làm bánh đa nem lâu đời, những ngày giáp Tết, gia đình ông Lê Đình Tường, làng Đắc Châu 1 cũng đang huy động toàn bộ nhân công làm ngày làm đêm để kịp đơn hàng phục vụ Tết. Ông Tường cho biết, gia đình ông có 4 lao động chính; trong đó, vợ chồng ông đảm nhiệm khâu tránh bánh, còn con trai, con dâu phụ trách khâu phơi bánh, thu bánh và đóng gói.
Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm, đơn hàng nhiều nên gia đình phải thuê thêm từ 1-3 nhân công để giúp cho khâu đóng gói sản phẩm. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng bánh ra đến đâu là hết đến đó. Đến thời điểm hiện tại có thêm nhiều đơn hàng đặt bánh nhưng vì không đủ nhân lực nên gia đình không dám nhận thêm, tình trạng “cháy” hàng xảy ra thường xuyên.
Ông Lê Đình Tường cho biết: Công việc làm bánh đa nem có thể làm quanh năm, nhưng thời điểm 3-4 tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất ở làng nghề làm bánh đa nem. Điều đặc biệt ở làng làm bánh đa nem Thiệu Châu là công việc tráng bánh không chỉ dành cho phụ nữ mà đàn ông trong làng tráng bánh cũng rất thành thạo và chuyên nghiệp. Mỗi ngày 2 vợ chồng tôi có thể làm ra từ 2.000-2.500 chiếc bánh đa nem, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình tôi thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu từ tiền bán bánh đa nem.
Dù đây là thời điểm các đơn hàng tấp nập "bay" đến, nhưng chúng tôi chỉ nhận đủ, không nhận thừa vì cũng không đủ sức để làm. Nếu chạy theo số lượng sẽ dẫn đến làm ẩu và sẽ cho ra những loạt bánh kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín cũng như niềm tin của khách hàng. Vì thế, để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên Đán, mỗi năm, ngay từ tháng 9 âm lịch, các gia đình làm nghề bánh đa nem đã phải chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu, trành phơi, nhân công để tăng sản lượng cho kịp các đơn hàng."
Cũng như gia đình ông Tường, gia đình bà Nguyễn Thị Phú, làng Đắc Châu 2 mỗi người mỗi công đoạn, tất bật để kịp làm ra những mẻ bánh đa nem phục vụ nhu cầu cho nhân dân dịp Tết. Người xay bột, người lọc bột, người tráng bánh, người phơi, đóng gói… vậy mà hàng làm ra cũng không đủ để cung ứng cho thị trường.
Bà Phú cho biết, nghề làm bánh đa nem đã có từ nhiều đời nay, cứ thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác. Bà được bố mẹ dạy nghề cho từ khi còn rất nhỏ, lên 14-15 tuổi đã tráng bánh thành thạo. Bánh được sản xuất quanh năm, nhưng vào dịp giáp Tết cổ truyền đơn hàng nhiều hơn nên đòi hỏi các hộ dân làm nghề phải khẩn trương sản xuất để có đủ bánh đa nem phục vụ nhu cầu thị trường. Khó khăn lớn nhất với các hộ làm nghề hiện nay là thiếu mặt bằng để phơi bánh. Nếu được xã quy hoạch thành một khu sản xuất, khu phơi bánh sẽ giúp cho người dân chúng tôi thuận tiện hơn trong việc làm nghề.
Bánh đa nem Thiệu Châu từ lâu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến bởi độ dẻo, dai và mang mùi vị đặc trưng. Dù nổi tiếng là thế nhưng những người dân nơi đây cũng không biết chính xác làng nghề có từ bao giờ, chỉ nhớ từ khi sinh ra đã thấy những người chị, người mẹ của mình làm nghề này. Chất lượng bánh đa nem Thiệu Châu từ lâu đã được khẳng định về độ dẻo, dai, hương thơm đặc trưng của gạo, màu sắc trắng sáng, bánh lành lặn, không bị rách nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Cách đóng gói cũng rất tiện lợi với nhiều tập mỏng, dày tùy theo số lượng bánh mỗi tập.
Bánh đa nem Thiệu Châu ngày thường có giá 30.000-35.000 đồng/100 cái, vào các tháng giáp Tết giá cao hơn một chút, từ 40.000-50.000 đồng/100 cái. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, bánh đa nem Thiệu Châu đã trở thành sản phẩm quen thuộc của tỉnh thành khác trong cả nước.
Chị Nguyễn Thị Mai, một hộ kinh doanh hàng khô chợ Tây Thành, thành phố Thanh Hóa cho biết, nem rán là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ, ngày Tết của mỗi gia đình Việt, biệt là người dân miền Bắc. Bởi thế, để chủ động nguồn hàng phục vụ cho thị trường, tầm tháng 10 âm lịch, chị đã đến Thiệu Châu để đặt các đơn hàng cho tháng Tết. Bánh đa nem Thiệu Châu có đặc điểm là bánh mỏng, dai và cực kì dễ cuốn, khi rán lại giòn, thơm, không bị nát, bị vỡ nên rất được các bà nội trợ lựa chọn.
Ông Quản Bá Tào, Bí thư Đảng ủy xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa cho hay, trước kia, người dân làm bánh đa nem trong xã tráng bánh bằng bếp củi, xay bột bằng tay nên hiệu quả không cao. Mấy năm gần đây, người dân đã chủ động đầu tư máy nghiền bột, bếp tráng điện nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm bánh đa nem vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Những tháng giáp Tết, mỗi gia đình với 2 nhân lực tráng bánh chủ đạo (4 bếp tráng bánh) và 2 nhân lực phơi bánh, thu bánh, gói bánh có thể đem về thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Các hộ làm bánh đa nem ở Thiệu Châu đều có ý thức giữ uy tín, chất lượng sản phẩm của địa phương, không sử dụng các chất phụ gia độc hại, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, đầu ra của sản phẩm bánh đa nem Thiệu Châu khá thuận lợi, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài nghề làm bánh đa, nhiều gia đình còn kết hợp với chăn nuôi lợn, gà để tận dụng nguồn phụ phẩm.
Nhờ đó, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ làm bánh đa nem và phát triển chăn nuôi. Năm 2020, UBND xã Tân Châu sẽ huy động các nguồn lực để mở rộng quy mô làng nghề làm bánh đa, bánh đa nem và đăng ký thương hiệu để đưa sản phẩm đi xa hơn nữa.
Rời Thiệu Châu trong một buổi chiều lảng bảng khói sương, đâu đó, trong những con ngõ nhỏ yên bình, những làn khói mỏng bay lên từ những căn bếp quyện với mùi thơm của bột gạo, dưới bàn tay điêu luyện của những "nghệ nhân" thoăn thoắt tráng từng chiếc bánh đa nem nhỏ xinh, Tết như đến rất gần.