Các doanh nghiệp cam kết đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ Tết

Chiều 22/11, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Điều này nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng và kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa cũng như bình ổn giá cả thị trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trung bình mỗi tháng, người dân Thủ đô tiêu thụ khoảng 93.000 tấn gạo, 18.594 tấn thịt lợn hơi, 5.300 tấn thịt bò, 6.200 tấn thịt gà, 5.200 tấn thủy hải sản... Trong các tháng lễ, Tết nhu cầu thịt lợn tăng lên 22.300 tấn/tháng, nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng khiến nguồn cung giảm sút mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm trong siêu thị Co.mart, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hiện thành phố Hà Nội có khả năng cung ứng: 51.150 tấn gạo, đáp ứng 27% nhu cầu; 17.000 tấn thịt gà; 1.782 tấn thịt bò, 280 tấn thủy hải sản; 292 triệu quả trứng gia cầm; 3.840 tấn thực phẩm chế biến; 115.228 tấn rau củ... Hiện, đàn lợn toàn thành phố Hà Nội có 1,18 triệu con, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 10 tháng giảm 16,4%.

Riêng trong tháng 10, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đạt 18.800 tấn tăng 4.600 tấn so với tháng 9 trước đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tháng nhưng đến Tết Nguyên đán vẫn thiếu hụt so với nhu cầu nhân dân. Ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến.

Hiện, Hà Nội có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng tết, với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng, tương ứng với số lượng một số mặt hàng thiết yếu gồm: 18.000 tấn lương thực; 2.092 nghìn lít dầu; 598 tấn thủy hải sản; 1.707 tấn thực phẩm chế biến; 7.448 tấn rau củ. Đặc biệt, doanh nghiệp tăng cường dự trữ thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội cũng đã cam kết đảm bảo dự trữ hàng hóa đủ để phục vụ người dân trong dịp cuối năm và Tết Canh Tý. Theo đó, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 6% đến 7% so với kế hoạch Tết 2019. 

Các doanh nghiệp thương mại lớn như: Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ tổng hợp Vincommerce, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình từ 10% đến 25% so với năm ngoái, với tổng giá trị tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, tổng lượng hàng hóa đưa ra thị trường của Hapro ước đạt 768 tỷ đồng; trong đó, lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thủ đô trong dịp Tết đạt khoảng 250 tỷ đồng. 

Hapro đã dự trữ 19 mặt hàng bao gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, rau củ quả các loại, các mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...), quần áo, điện máy, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Bà Bùi Hiền, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce chi nhánh Hà Nội cho hay, công ty đã làm việc với các nhà nhập khẩu và nhà phân phối chuẩn bị lượng hàng hóa tăng từ 30% đến 100% nguồn hàng so với Tết 2019, trong đó, gạo tăng 100%, thịt lợn tăng 30%... Ngoài việc tăng số lượng, công ty đặc biệt chú trọng bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, duy trì việc đóng cửa muộn trước Tết và mở sớm sau Tết để phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Còn theo bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông), để bảo đảm bình ổn giá theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, cũng như của riêng doanh nghiệp, đơn vị đã chủ động làm việc với nhà cung cấp nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt những tháng Tết; duy trì bán hàng lưu động tại vùng sâu, vùng xa, các tỉnh lân cận để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân Thủ đô.

Theo ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, 1.500 tấn bánh kẹo, khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà; chuẩn bị hệ thống kho bãi để chuyển hàng hóa từ kho trung chuyển trong thành phố Hồ Chí Minh, kho Bắc Ninh để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường. 

Bên cạnh đó, siêu thị cũng chuẩn bị các chương trình “Khóa giá” bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết Nguyên đán; kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn,Yên Bái... tổ chức các tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội; đồng thời, chuẩn bị nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để bảo đảm giá cả hàng hóa ổn định trong suốt dịp Tết; bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thành phố tổ chức bán hàng bình ổn tại hơn 232 điểm cố định trên địa bàn thành phố; tổ chức đưa hàng bình ổn đến 11.100 điểm bán hàng (tăng 412 điểm bán so với năm 2018); 5 phiên chợ Việt và trên 250 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành. Đồng thời, tổ chức các Hội chợ hàng Việt, Tháng khuyến mại, Hội chợ đặc sản vùng miền... góp phần phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng và cúng góp phần tăng tổng mức bản lẻ, đáp ứng cung cầu trên địa bàn.    

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho bày tỏ, nhằm đáp ứng được số lượng thịt lợn còn thiếu, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi lớn trên địa bàn chủ động tái đàn, phát triển chăn nuôi theo chuỗi, đảm bảo phòng chống dịch bệnh cũng như giá cả ổn định, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. 

Ngoài ra, các cơ sở chế biến đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế một phần nhu cầu thịt lợn trong dịp Tết; chủ động phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có sản lượng chăn nuôi thịt lợn cao, ít bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi để doanh nghiệp Hà Nội kết nối nguồn cung thịt lợn, bảo đảm nguồn cung tại hệ thống…

Về phía cơ quan quản lý, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại khẳng định, Cục đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành chức năng triển khai từ rất sớm Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.  

Ngay từ đầu tháng 11, toàn bộ các Đội Quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành chức năng trực kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận về đo lường...; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, trục lợi.

Nam Giang (TTXVN)
Kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành
Kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành

Ngày 20/11, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2019. Chương trình do UBND TP giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN