Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng trưởng ổn định
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng đạt 425,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.059,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,9%).
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%). Có được điều này là nhờ thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng của người dân.
Cũng theo ông Trần Duy Đông, những tháng cuối năm nhu cầu hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa Tết bắt đầu tăng; nhu cầu nhiên liệu năng lượng tăng phục vụ sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên nguồn cung các mặt hàng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu khá dồi dào, giá có xu hướng tăng nhưng mức tăng không lớn nên thị trường hàng hóa trong nước sẽ sôi động hơn nhưng không có biến động giá bất thường ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu.
Cùng với sự ổn định về kinh tế - xã hội và sự phát triển của các ngành sản xuất trong nền kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư ngày càng được cải thiện, làm tăng nhu cầu và sức mua đối với thương mại nội địa.
Với các yếu tố như trên, dự báo diễn biến thị trường năm 2019 về cơ bản giữ được ổn định, cung cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo.
Theo phân tích từ giới chuyên gia thương mại, theo đà tăng trưởng này, năm 2019 mức bán lẻ hàng hóa xã hội và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ đạt khoảng 4.901 - 4.923 nghìn tỷ đồng, tăng từ 11,6 - 12% so với năm 2018, đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 11,5-12%).
Đây là năm bứt phá, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Đặc biệt, Quý IV cũng là quý quan trọng nhất quyết định đến khả năng đạt hay không đạt mục tiêu kế hoạch năm.
Đảm bảo nguồn cung
Chia sẻ kỹ hơn về thị trường trong nước thời điểm cận kề cuối năm, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, thời điểm này đang trong giai đoạn chuyển mùa và chuẩn bị vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động với các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa Tết, các chương trình khuyến mại đối với mặt hàng tiêu dùng, hàng may mặc.
Dù vậy, cung cầu, giá cả hàng hóa không có nhiều biến động lớn. Một số mặt hàng nhóm năng lượng do ảnh hưởng của giá thế giới hồi đầu tháng tăng trước các bất ổn về nguồn cung nên giá trong nước có biến động tăng nhẹ. Các mặt hàng thiết yếu được duy trì ổn định duy chỉ có nguồn cung thịt lợn trong nước đang bị thiếu hụt, giá tăng cao. Bởi đây là nguồn thực phẩm thiết yếu và được người dân sử dụng rất nhiều và việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các Bộ ngành, cung cầu hàng hóa sẽ được bảo đảm để bình ổn thị trường.
Về phía các địa phương, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố đã lên kế hoạch dữ trự 31.200 tỷ đồng hàng Tết, với 7 mặt hàng thiết yếu và 5 mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao. Với mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực hiện cấp đông để đảm bảo một phần nguồn cung; chủ động phối hợp với các địa phương khác để bổ sung nguồn hàng. Đồng thời, phát triển các sản khác như thịt trâu, bò, gà, trứng để đảm bảo bù đắp một phần thay thế cho thịt lợn.
Ngoài ra, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, đơn vị này hiện cũng mở đợt cao điểm kiểm soát hàng nhập lậu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng thiếu hụt nguồn cung để tiêu thụ lợn bệnh, hàng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Bộ Công Thương tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động; kiên định thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đã đề ra, nhất là 4 nhóm trọng tâm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra. Đặc biệt là bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi sản xuất và thương mại toàn cầu cũng như áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh.
UBND các tỉnh, thành phố; các Sở Công Thương và đơn vị liên quan theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao để chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường và tăng cường thông tin dự báo thị trường nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu nhất là vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán năm 2020.