Kinh tế vẫn tăng trưởng tốt
Đánh giá việc CPI tăng thấp so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 5%, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, kế hoạch đề ra đầu năm dựa trên nhiều căn cứ, trong đó hai căn cứ quan trọng là tình hình lạm phát thực tế và kỳ vọng cho nền kinh tế tăng trưởng đòi hỏi cần mức tăng giá nhất định. Thực tế, trong giai đoạn 2011-2015, những năm đầu lạm phát lên trên 18% nhưng giảm dần qua từng năm.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đánh giá, CPI tăng thấp là do “chi phí đẩy” đã giảm (chi phí đầu vào), kích thích sản xuất kinh doanh. “CPI đang ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, chưa có dấu hiệu ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi lạm phát thấp thì nền kinh tế tăng trưởng vẫn tốt. Đó là thành công của nền kinh tế”, bà Thủy nhận định.
CPI cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, thấp nhất từ năm 2001. |
Cụ thể, báo cáo 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, GDP nước ta đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua (đạt 6,58%) và dự báo sẽ vẫn khả quan trong cả năm 2015. Vị đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá, nền kinh tế đã có sự vận hành tốt, tức là không phải đánh đổi việc tăng giá hàng hóa, hạ giá đồng tiền (tăng lạm phát) để có tăng trưởng mà vẫn giữ tăng trưởng tốt dù lạm phát thấp.
Lý giải việc lạm phát thấp nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho rằng có nhiều nguyên nhân như nhóm ngành dịch vụ y tế, giáo dục góp phần giúp CPI tăng thấp nhưng lại không tác động đến tăng trưởng. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI đóng góp rất lớn đến tăng trưởng (xuất khẩu khối này chiếm 70% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu) nhưng hầu như không liên thông với hệ thống tài chính trong nước nên không tạo áp lực lên giá cả trong nước.
Bên cạnh đó, bà Ngọc cho biết, yếu tố khiến lạm phát thấp nhưng tăng trưởng cao còn do chi phí đầu vào (xăng dầu) giảm, góp phần hạ giá thành sản phẩm, theo đó thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, điều hành giá cả của Chính phủ tốt, có chỉ đạo ổn định giá cả trên từng địa bàn. Từ đó, đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, lạm phát thấp góp phần vào tăng trưởng bền vững.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khẳng định, không phải cứ lạm phát cao là có tăng trưởng. “Lạm phát thấp mà tăng trưởng cho thấy chất lượng tăng trưởng năm 2015 đã được khẳng định qua các yếu tố vĩ mô, không liên quan nhiều đến yếu tố giá. CPI thấp cho thấy thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng nhiều, dành nhiều cho chi tiêu làm tăng tổng cầu, tăng trưởng kinh tế”, ông Lâm cho hay.
CPI có thể sẽ tăng lại
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Vũ Thị Thu Thủy đánh giá, theo quy luật, chu kì lạm phát thấp sẽ ngắn hơn lạm phát cao. Do đó, năm 2016 CPI có nguy cơ tăng mạnh trở lại sau một thời gian dài giữ ở mức thấp. Do đó, cần chuẩn bị các phương án đối phó.
Theo bà Thủy, trong giai đoạn trước đây, chúng ta thường dùng phương pháp kiềm chế lạm phát, nghĩa là lạm phát xảy ra rồi thì mới kéo lạm phát xuống. Gần đây, chúng ta đã chuyển sang kiểm soát lạm phát. Nghĩa là lạm phát chưa quá lớn thì ta đã có biện pháp kiểm soát, tránh lạm phát cao xảy ra. “Theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để tăng trưởng bền vững là rất quan trọng. Gần đây, chu kỳ lạm phát thấp rất ít, do đó chúng tôi khuyến nghị phải kiểm soát lạm phát chủ động, chứ không phải lạm phát rồi mới kiềm chế. Như vậy nền kinh tế mới phát triển bền vững", bà Thủy nhận định.
Về diễn biến trong tháng 12, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng 12. Đây là mức tăng thấp nhất trong 9 năm gần đây. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,16%); đồ uống và thuốc lá (0,16%); may mặc mũ nón, giầy dép (tăng 0,32%), Nhà ở và vật liệu xây dựng; thuốc và dịch vụ y tế (0,14%), giáo dục (0,04%). Có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm bưu chính viễn thông giảm 0,03%, giao thông giảm 1,57%, văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,05%, thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát thấp nhưng sức mua vẫn tăng và CPI thấp lâu dài không ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế. Thời điểm cuối năm, một yếu tố có thể tác động nhiều nhất đến CPI là tiêu dùng lương thực, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. “Hiện nay, chỉ số giá tháng 12 cho thấy nhóm lương thực, thực phẩm đã tăng lên song Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách để kiềm chế sự tăng giá đột biến, đặc biệt là tích trữ và phân bổ hàng hóa. Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay đã khôn ngoan hơn, không dồn vào một thời điểm để mua hàng nên sẽ không đẩy giá hàng hóa lên quá cao”, bà Thủy cho hay.
“Theo kinh tế học, thiểu phát là lạm phát ở mức thấp, tuy nhiên các nhà nghiên cứu không đưa ra mức thấp cụ thể bao nhiêu. Cần thêm một số dấu hiệu như GDP âm, tỷ lệ huy động tiết kiệm giảm. Xét trong nền kinh tế của chúng ta thì vẫn là lạm phát chứ chưa phải thiểu phát do GDP năm nay tăng cao nhất 5 năm qua, đồng thời tỷ lệ huy động tiết kiệm tăng lên”. Bà Vũ Thị Thu Thủy |