Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá thêm 1% và liên tiếp nới rộng biên động giao dịch USD/VND vừa qua có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ vào những tháng cuối năm nhưng sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định lạm phát năm nay.
CPI giảm chủ yếu do giá xăng dầuBà Đỗ Bích Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá Tổng Cục Thống kê (TCTK) cho biết: CPI tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,61% so với tháng 12 năm trước. Trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 8 giảm so với tháng trước. “CPI tháng này giảm chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 20/7 và ngày 4/8. Trong đó, giá xăng giảm 3,26%, giá dầu diezel giảm 8,98%, giá dầu hỏa giảm giảm 8,83%. Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 2,12%, đóng góp 0,19% vào mức giảm chung của CPI”, bà Ngọc nói.
Trả lời phóng viên báo Tin Tức về giá dầu thế giới lao dốc, xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng có tác động ra sao tới lạm phát, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dự báo giá dầu thế giới còn có thể giảm nữa. Điều này có tác động tốt tới việc kiểm soát lạm phát, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi hơn cũng như các công ty vận tải, giao thông giảm được giá thành, chi phí.
“Dù lạm phát đang ở mức thấp nhưng chúng ta không nên chủ quan. Trong thời gian tới, thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt kinh tế Trung Quốc đang rơi vào thời kỳ giảm tốc. Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, hàng hóa giá rẻ của họ sẽ tràn vào Việt Nam, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh, giá cả hàng hóa Việt Nam nhưng phải có một độ trễ nhất định mới phản ánh rõ điều này”.
TS, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu |
Theo TCTK, CPI tháng 8 giảm còn do giá gas điều chỉnh giảm 8.000 - 10.000 đồng/bình 12 kg. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas liên tục giảm với tổng mức gần 30.000 đồng/bình. Bên cạnh đó, trong tháng này, thời tiết một số địa phương đã dịu, bớt nắng nóng hơn nên lượng điện tiêu dùng thấp hơn so với tháng trước đưa chỉ số giá nhóm điện giảm 0,32%; giá vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,01% do mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 4 nhóm hàng giảm là nhóm giao thông với mức giảm cao nhất 2,12%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,45%; bưu chính viễn thông giảm 0,02% và hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%. Ngoài ra, một số nhóm tăng là giáo dục; thuốc và dịch vụ y tế; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép.
Dự báo về tháng 9/2015, bà Ngọc cho biết: CPI sẽ tăng nhẹ do nhu cầu một số mặt hàng thực phẩm phục vụ cho rằm tháng 7, rằm Trung thu và Quốc khánh 2/9 sẽ tăng. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh học phí năm 2015- 2016 khối đại học, cao đẳng, mầm non. Ngoài ra, một số mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu có thể tăng hơn so với tháng trước do điều chỉnh tỷ giá USD/VND.
Biến động tỷ giá không ảnh hưởng nhiềuTrao đổi với phóng viên báo Tin Tức, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: CPI tháng 9 dự kiến cao hơn tháng 8, đặc biệt từ đầu quý 4/2015 nhưng khó có những áp lực để đẩy lạm phát vượt kế hoạch 5%, dù vừa rồi có những biến động về thị trường tài chính.
Theo PGS. TS Ngô Văn Hiền, Học viện Tài chính, việc NHNN tăng tỷ giá vừa qua sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu nhưng lại là gánh nặng cho nhập khẩu. Điều này có thể khiến giá hàng hóa đầu vào tăng, ảnh hưởng đến sức mua và lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu tiêu dùng vẫn chưa có nhiều cải thiện nên mục tiêu lạm phát vẫn sẽ được giữ vững.
Đồng tình quan điểm này, đại diện thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, khi tỷ giá tăng 1% sẽ làm cho lạm phát trong ngắn hạn tăng 0,13%. Như vậy, việc tăng tỷ giá 2,5 - 3% sẽ làm cho lạm phát cả năm tăng không đáng kể, chỉ khoảng 0,3%. Hơn nữa, tỷ giá tăng đồng nghĩa xuất khẩu sẽ có lợi. Nếu xuất khẩu tăng lên, nhập khẩu giảm và thâm hụt thương mại giảm thì GDP sẽ tăng lên. Vì thế, hai đợt điều chỉnh tỉ giá vừa qua có ý nghĩa tích cực phục hồi kinh tế Việt Nam.
Theo dự báo của Vụ Thống kê giá - TCTK, nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng 9/2015. Do đó, sự điều chỉnh tỷ giá mang tính chất đón đầu đủ lớn để tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016. TCTK ước tính, việc điều chỉnh tỷ giá ngày 19/8 có thể tác động đến CPI chung cả nước tăng khoảng 0,3%. “Mặc dù tỷ giá tăng nhưng các yếu tố chi phí đầu vào khác như xăng dầu lại giảm khá mạnh, cùng với sự cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc nên giá cả hàng hóa sẽ khó có thể trở nên đắt đỏ. Theo tôi mặt bằng giá cả trong nước sẽ không có biến động lớn”, bà Ngọc phân tích.
Trong khi đó sức mua của người dân trong 7 tháng năm 2015 vẫn tăng khá tốt với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (sau khi loại trừ yếu tố giá tăng) ở mức khá cao, tăng 8,97% so với cùng kỳ năm trước. Mức độ điều chỉnh tỷ giá mới chỉ tăng khoảng 5% so với cuối năm 2014 khi chỉ số lạm phát mới khoảng 1% so với mức 5% cả năm.