Việc lãi suất huy động hạ xuống mức nào mới hợp lý đã được các chuyên gia kinh tế, ngân hàng “mổ xẻ” tại Hội thảo về tín dụng diễn ra tại Học viện Ngân hàng vào hôm qua (7/5).
Liên quan tới một số ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay vốn nên giảm về mức 8 - 9%/năm thì mới tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp (DN), Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPost Nguyễn Đức Hưởng nói: “Trong trường hợp này, lãi suất huy động sẽ phải giảm về mức 4 - 5%/năm. Khi đó, còn ai gửi tiền vào ngân hàng? Ai đảm bảo là người dân sẽ không rút tiền gửi đầu tư vào vàng, đôla, chứng khoán, bất động sản...”. Ông Hưởng cho rằng: Các ngân hàng thương mại sẽ gặp rủi ro thêm một lần nữa, thậm chí còn nặng hơn vấn đề nợ xấu hiện nay.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại VietinBank chi nhánh Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo Ngân hàng LienvietPost, mức hạ lãi suất "chỉ nên vừa phải" để vẫn bảo vệ người gửi tiền thay vì cố cứu DN làm ăn yếu kém. Theo đó, chính những DN yếu kém làm ăn thua lỗ mới là những người kêu than nhất về lãi suất. Dư địa hạ lãi suất nếu còn chỉ có thể giảm 0,5% và đây là mức lãi suất tiết kiệm hợp lý mà người gửi tiền có thể chấp nhận được. “Thực tế, chúng tôi đã cho vay với lãi suất 7%/năm từ lâu rồi. Nhưng vấn đề là chọn khách nào cho vay với mức 7 - 8%; khách nào phải vay 12 - 13%/năm”, ông Hưởng nói.
Trong khi nhiều DN luôn lên tiếng về việc lãi suất cho vay phải giảm nữa thì mới cứu được DN, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) lại cho rằng: Theo kết quả nghiên cứu của Viện mới đây, không ít DN thừa nhận, lãi suất không phải là vấn đề đối với họ. Lãi suất giai đoạn 2004 - 2012 dù cao cũng vẫn không cản được việc các DN vay vốn. Ngược lại, năm nay lãi suất dù thấp nhưng cũng không kích thích được tăng trưởng tín dụng. "Nói cách khác, nhân tố lãi suất đóng một vai trò khá mờ nhạt trong sự biến động của nguồn tín dụng từ ngân hàng", ông Trung kết luận.
Báo cáo của NHNN mới đây cho hay: Tính đến ngày 23/4, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, tính đến ngày 23/4, tín dụng chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2012. Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Thanh Hương, nếu như cuối năm 2012, tỷ lệ cho vay/huy động của hệ thống ngân hàng ở mức 101% thì từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng tín dụng chậm hơn nhiều tốc độ tăng vốn huy động. Và tỉ lệ này đã giảm xuống còn 95%, cao hơn nhiều so với thông lệ quốc tế, chỉ ở mức 80%.
Bà Hương cho rằng: Điều đó cho thấy, thách thức về rủi ro thanh khoản, an toàn của hệ thống vẫn chưa chắc chắn. Thực trạng tín dụng vào nền kinh tế thấp là đáng lo ngại, song việc các ngân hàng chọn trái phiếu Chính phủ làm “kênh trú ẩn” là một biện pháp an toàn. “Đừng vì tín dụng thấp mà gây sức ép cho hệ thống ngân hàng tăng trưởng tín dụng nóng. Quan trọng nhất là hướng dòng vốn đến được với khu vực sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng”, bà Hương khuyến nghị.
Chung quan điểm này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) - Phạm Xuân Hòe cho hay: Chúng ta tìm biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng không có nghĩa là nới lỏng tín dụng. Để thúc đẩy tín dụng, có những nỗ lực thuộc trách nhiệm của hệ thống ngân hàng như vấn đề nguồn vốn, lãi suất, thủ tục..., song cũng có những giải pháp tháo nút thắt từ phía nền kinh tế. Ông Hòe lấy ví dụ về ngành thép, xi măng đều đang dư thừa công suất, cung lớn hơn cầu thì không thể có phương án vay vốn.
Để thúc đẩy tín dụng đầu ra, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng: Chính phủ nên đứng ra bảo lãnh vay vốn cho những dự án trọng điểm; tránh hình sự hóa tội phạm ngân hàng; hình thành công ty mua bán nợ càng sớm càng tốt và khoanh lại kho tài sản xấu để xử lý.
Minh Phương