Vào những ngày tháng 3 đáng nhớ này, điểm cao 601 - di tích lịch sử cách mạng ở huyện Đăk Hà, là nơi trở về quen thuộc của các cựu binh từng vào sinh ra tử nơi này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, điểm cao 601 giữ vị trí quân sự quan trọng của địch trong hệ thống vành đai phòng thủ bảo vệ thị xã Kon Tum và Đường 14 - con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Bắc Tây Nguyên.
Điểm cao 601 có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng, do dó quân ta quyết tâm đánh chiếm, phía địch cũng bằng mọi cách cố thủ. Nhiều trận giao tranh quyết liệt đã diễn ra ở đây, máu xương trộn lẫn với đất nên khu vực này từng có tên gọi “Dốc đầu lâu”.
Trở về trận địa với bao hồi ức, cựu binh Lê Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Kon Tum - từng là chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 thuộc Tỉnh đội Kon Tum, nhớ lại: Sau khi Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam vào năm 1965, các trận đánh xung quanh điểm cao 601 rất ác liệt. Việc chiếm giữ được điểm cao 601 tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội ta giải phóng Kon Tum và các ấp chiến lược dọc trục Đường 14.
Đặc biệt, khi đã chiếm đóng được điểm cao 601, quân ta sẽ cắt đứt trục xương sống của quân địch bởi Đăk Tô là căn cứ quân sự rất lớn của địch, trong đó có Trung đoàn 42 thiện chiến. Ban ngày địch lấn ra vùng căn cứ của ta, ban đêm thì về co cụm tại căn cứ và thường xuyên được sự chi viện rất lớn từ thị xã Kon Tum. Mỗi lần địch đưa quân, tiếp tế phương tiện chiến tranh lên vùng Đăk Tô - Tân Cảnh là phải qua điểm cao 601. Có thể nói, điểm cao 601 là vị trí chiến lược đối với cả ta lẫn địch.
Chậm rãi đặt từng bước chân trên các bậc thang phủ đầy rêu phong dẫn lên điểm cao 601, ông Hùng vừa đi vừa kể về những trận đánh ác liệt diễn ra nơi “Dốc đầu lâu”. Cái tên gọi đã minh chứng cho sự ác liệt, nói lên sự hy sinh rất lớn của quân và dân ta cho công cuộc giải phóng Kon Tum.
Ông Hùng tâm sự: “Điểm cao 601 này trước kia chúng tôi hay gọi là "Dốc đầu lâu" bởi ở đây thường xuyên diễn ra những trận đánh ác liệt với mục tiêu của ta là chặn đường tiếp tế của quân địch, còn phía bên kia thì cố sống cố chết giữ bằng được. Hồi đó, mỗi lần chi viện cho nhau, địch thường phái một lúc 30- 40 chiếc xe, khi đi qua khu vực này thì bị quân ta chặn đánh. Sự thương vong của cả hai bên đều rất lớn".
Sau 45 năm giải phóng, những chiến công hiển hách của quân và dân tỉnh Kon Tum vẫn mãi được các thế hệ trẻ khắc ghi. Báo đáp lại những công lao đó, các thế hệ trẻ luôn nỗ lực không ngừng xây dựng Kon Tum ngày càng giàu, đẹp. Những công trình thanh niên tỏa khắp các buôn làng, hay những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng bởi sức trẻ ở Kon Tum.
Anh Lê Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu nhi tỉnh Kon Tum, chia sẻ: Với công việc là phụ trách về thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, chương trình công tác năm của tôi luôn định hướng về tư tưởng, chính trị cho thanh thiếu nhi. Đây là nhiệm vụ quan trọng được xác định để định hướng cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn lịch sử, và từ đó phấn đấu học tập tốt, lao động tốt… góp phần nhỏ cho quê hương thêm giàu mạnh.
Trải qua 45 mùa xuân, tỉnh Kon Tum bước đi từng bước vững vàng, ngày càng khẳng định được vị thế nơi cực Bắc Tây Nguyên. Những con số tổng thể đầy ấn tượng về bức tranh kinh tế của tỉnh Kon Tum trong năm 2019 đã phản ánh rất chân thực về sự phát triển của Kon Tum. Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 14.782 tỷ đồng (tăng 9,96% so với năm 2018). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37,35 triệu đồng năm 2018 lên 41,28 triệu đồng trong năm 2019; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 3.124 tỷ đồng, vượt 26,3% kế hoạch đề ra; có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 62,78%…
Điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế của địa phương năm 2019 là sự tăng tốc ấn tượng và bứt phá ngoạn mục của lĩnh vực thu hút đầu tư. Những nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong xúc tiến và thu hút đầu tư, cùng với những giải pháp quyết liệt trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đã mang lại những thành quả bước đầu xứng đáng.
Trong năm 2019, Kon Tum đã thu hút trên 60 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 5.200 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ với một tỉnh còn bộn bề về những khó khăn, giao thông cách trở; trong đó, đã thu hút được các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH… đến nghiên cứu và đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ; dự án điện gió, điện mặt trời…
Đặc biệt, tỉnh Kon Tum đã có những bước tiến tích cực trong việc phát triển và quảng bá sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc trưng của địa phương. Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiên phong trong việc nghiên cứu, bảo tồn thành công nguồn gen gốc và nhân giống, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng lên tới 660 ha và đang triển khai dự án gần 5.000 ha. Tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công Hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; tổ chức Triển lãm Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum - “Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng lịch sử quốc gia...