Kinh tế toàn cầu đối diện nhiều nguy cơ lớn

Kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những nguy cơ được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.


Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP/TTXVN.

Đây là nhận định của Giáo sư trường Đại học Havard, đồng thời là cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, đăng trên Tạp chí Thời báo Tài chính (Anh) mới đây.


Phóng viên TTXVN tại London dẫn nhận định nói trên, cho biết nguy cơ đầu tiên là tình trạng “trì trệ trường kỳ” tại các nước phát triển – nghĩa là tăng trưởng kinh tế ở mức không thỏa đáng, dù đã viện tới chính sách nới lỏng tiền tệ - trong khi các thị trường mới nổi lớn, đi đầu là Trung Quốc, đang có phần sa sút. Chiều hướng này có thể dẫn tới một vòng luẩn quẩn toàn cầu: nhịp độ tăng trưởng chậm lại của các nước công nghiệp gây tác động xấu tới các thị trường mới nổi, từ đó tác động ngược trở lại, làm giảm nhịp độ tăng trưởng của các nước phương Tây. Đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa hiện có đà tăng trưởng gần như chững lại, họ dường như không còn đủ sức để đương đầu với bất kỳ cú sốc quy mô toàn cầu nào.


Theo Giáo sư Summers, vấn đề đáng lo ngại là việc các nhà hoạch định chính sách dường như đánh giá thấp nguy cơ các nước phương Tây cũng như toàn thế giới rơi trở lại suy thoái có thể khiến họ thiếu đi công cụ để đối phó một khi xảy ra tình trạng này.


Mối nguy cơ kế tiếp liên quan tới những dự báo gần đây cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) tại hầu hết các nước đều bị điều chỉnh giảm. So với dự báo năm 2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP danh nghĩa năm 2020 của Mỹ xuống còn 6%, châu Âu xuống còn 3%, trong khi Trung Quốc còn 14%, các thị trường mới nổi 10% và nền kinh tế thế giới giảm xuống chỉ còn 6%. Việc điều chỉnh dự báo này còn chưa tính tới khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại các nước công nghiệp hóa và khủng hoảng hệ thống tại các nước đang phát triển. Ông Summers cho rằng hiện là thời điểm mà nguy cơ giảm phát lớn hơn lạm phát, cũng như không thể trông chờ từ đặc tính tự phục hồi của các nền kinh tế thị trường, nên thế giới cần phải có sự thay đổi lớn về mặt chiến lược.


Ngoài ra, còn phải kể tới việc lượng vốn ròng chảy vào các nước đang phát triển – từ lâu vốn là “điểm sáng” kinh tế toàn cầu - giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Chỉ riêng vốn tư nhân thoái lui khỏi các nước đang phát triển trong khoảng thời gian này đã giảm khoảng 1.000 tỷ USD, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua.


Xét tới các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, Giáo sư Summers nhận định nước này đang đối mặt với nhiều thách thức, từ tình trạng già hóa dân số với tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ đến tình trạng đầu tư không hiệu quả. Brazil cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi giá hàng hóa sụt giảm, trong khi đà tăng trưởng của các nước từ Trung Âu, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Đông Nam Á chịu ảnh hưởng bất lợi từ tình trạng tăng trưởng chậm lại của các nước công nghiệp hóa.


Theo Giáo sư Summers, việc cho rằng kinh tế tăng trưởng chậm chỉ là hậu quả tạm thời của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là điều vô lý. Trên thực tế, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại; châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ì ạch, trong khi kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ hàng đầu là suy thoái.
Từ những phân tích nói trên, Giáo Summers cho rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cần chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn khả năng đổ vỡ tài chính trên toàn cầu có thể dẫn tới suy thoái kinh tế. Các ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản cần nhận thức rõ hơn nguy cơ lớn nhất hiện nay là kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa, đồng thời sẵn sàng tung ra các công cụ hữu hiệu để ngăn chặn nó.

TTXVN/Tin Tức
IMF và WB chú trọng giảm nghèo và tăng trưởng toàn cầu
IMF và WB chú trọng giảm nghèo và tăng trưởng toàn cầu

Các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới đã tập trung thảo luận về vấn đề xóa đói giảm nghèo, cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm bớt sự bất ổn toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN