Cụ thể, Mỹ cho biết đã có thêm 3,2 triệu người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước. Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes cảnh báo nền kinh tế nước này có nguy cơ "sụp đổ" do các biện pháp phong tỏa có thể dẫn đến thiếu hụt lượng thực và bất ổn xã hội. Brazil là nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh và cũng đang là tâm dịch của khu vực. Đức và Pháp cho biết sản xuất công nghiệp đã giảm lần lượt ở mức 9,2% và 16,3%, trong khi Anh dự báo sản lượng kinh tế của nước này sẽ giảm tới 14% trong năm nay.
Các hãng hàng không và du lịch là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi không thể khai thác các chuyến bay, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội hạn chế đáng kể các chuyến du lịch và công tác. Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 60-80% trong năm 2020. Các du thuyền đang gặp khó khăn trong việc đưa hàng chục nghìn thủy thủ đoàn bị mắc kẹt ngoài khơi về nước.
Những tuần qua, các nhà kinh tế liên tục cảnh báo rằng đại dịch sẽ đẩy thế giới vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930. Những dữ liệu kinh tế trên đã phản ánh mức độ thiệt to lớn do COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước đang phải chịu áp lực lớn nhằm giảm bớt tác động của các biện pháp hạn chế đối với nền kinh tế. Tại châu Âu, nhiều nước đang từng bước nới lỏng các biện pháp, với một số cửa hàng, trường học đã bắt đầu mở cửa trở lại. Italy đã cho phép tín đồ Công giáo đi lễ, Na Uy sẽ mở cửa các quán rượu từ ngày 1/6.
Trong khi đó, dù Mỹ vẫn đang là tâm dịch của thế giới với hơn 1,29 triệu ca nhiễm và hơn 76.000 ca tử vong, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hối thúc dỡ bỏ biện pháp phong tỏa, để bình ổn kinh tế trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2020 đã giảm mạnh ở mức 4,8%, khi dịch COVID-19 đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm hạn chế hoạt động đầu tư và mua sắm. Đây là lần đầu tiên GDP của Mỹ giảm kể từ khi ghi nhận mức giảm 1,1% vào quý I/2014 và giảm theo quý mạnh nhất kể từ quý IV/2008, khi kinh tế nước này giảm 8,4%.
Trong khi đó, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý I/2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995.
Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2020 của châu Á sẽ ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm qua, khi cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại “chưa từng có” đối với lĩnh vực dịch vụ của khu vực này. Kể cả kinh tế Trung Quốc, quốc gia đang bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế sớm hơn nhiều so với các nước khác, cũng chỉ có thể phục hồi chậm chạp, theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Trước đó, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này trong quý I/2020 đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019, lần giảm đầu tiên trong gần ba thập niên, do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Hoạt động dịch vụ bị đứt gãy là một mối lo lớn đối với chính phủ nhiều nước, khi hàng triệu người đang làm việc cho các ngân hàng, các công ty bán lẻ và trong ngành nhà hàng-khách sạn, làm gia tăng mối đe dọa từ tỷ lệ thất nghiệp leo thang đối với sự ổn định xã hội. Các nhà phân tích thuộc BofA Global Research ước tính, khoảng 7% số lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các nước ASEAN-6 gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam có thể mất việc làm do tác động của dịch COVID-19. Viễn cảnh này cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế khi dịch bệnh qua đi.
Các chuyên gia kinh tế của hãng tư vấn Oxford Economics đã lên tiếng cảnh báo đại dịch toàn cầu này có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đầu tư, thương mại và du lịch suy giảm nghiêm trọng ...
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết việc nhiều quốc gia ban hành các lệnh phong tỏa kinh tế-xã hội trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã “giáng đòn mạnh” lên hoạt động du lịch thế giới, với ước tính sẽ suy giảm 45% trong năm nay.
Cùng chung nhận định trên, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động và sản lượng công nghiệp trên toàn thế giới, trong đó ngành du lịch và sản xuất ô tô bị tác động hết sức nặng nề. Đặc biệt, dịch bệnh ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng lên ngành du lịch và lữ hành – vốn đóng góp tới 3,2% GDP toàn cầu trong năm 2018. Nếu tính cả các ngành công nghiệp thứ cấp liên quan, con số đó có thể lên tới 10,4% GDP toàn cầu vào cùng giai đoạn. Chỉ riêng ngành du lịch của Liên minh châu Âu (EU) đã ước tính sẽ mất khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) doanh thu mỗi tháng do dịch COVID-19. Ngoài ra, ILO trích dẫn các số liệu cho thấy lĩnh vực này chiếm tới 319 triệu việc làm trên toàn thế giới (tương đương 10% việc làm toàn cầu) vào năm 2018. Tuy vậy, mức trên có thể suy giảm từ 45-70% do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết doanh thu của ngành hàng không dự kiến sẽ giảm khoảng 55%, tương ứng 314 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là dự báo tồi tệ nhất đối với ngành hàng không, khi chỉ mới trước đó ba tuần, doanh thu của ngành được dự báo giảm 44% (tương đương 252 tỷ USD).
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng các nước đang phát triển đang mất đi một nguồn thu quan trọng, khi các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã khiến lượng kiều hối giảm mạnh. WB nhận định lượng kiều hối trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 20% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất trong lịch sử gần đây, do việc các doanh nghiệp ngừng hoạt động gây ra tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và mất việc làm khiến người lao động ở nước ngoài không thể gửi tiền về nhà. Tổng số kiều hối trong năm 2020 dự kiến sẽ giảm xuống còn 440 tỷ USD, từ mức 554 tỷ USD năm 2019.