Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, "vàng đen" xuống dốc, đồng rúp trượt giá và tình trạng thoái vốn đầu tư nước ngoài đang gây nhiều khó khăn cho nước Nga, làm chao đảo nền kinh tế vốn đã dễ bị tổn thương trước các cú "sốc" từ bên ngoài. Nhưng Moskva vẫn không chịu khuất phục mà tiếp tục nỗ lực tìm cách giảm thiểu các tác động bất lợi và đảm bảo cho nền kinh tế trụ vững.
Hình ảnh đồng Rúp tại trung tâm thủ đô Moskva. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Sức ép từ Mỹ và phương Tây
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi Mỹ phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Nga do liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine. Nga phải đối đầu với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - gồm 800 triệu người ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương và đang cùng nhau tạo ra 50% của cải của thế giới.
Chỉ chiếm 2% GDP toàn cầu, Nga rơi vào thế bất lợi bởi hơn 50% nguồn thu thương mại của Nga là với EU. Thuế nhập khẩu năng lượng của EU chiếm gần một nửa ngân sách liên bang của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ước tính nước này chịu tổn thất 40 tỷ USD một năm do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga thừa nhận nền kinh tế nước này sẽ bị suy yếu nếu trừng phạt kéo dài, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tỷ giá và lạm phát. Những yếu tố này sẽ kéo nhu cầu tiêu dùng đi xuống và làm đồng tiền mất giá, qua đó làm chậm nhịp độ tăng trưởng của cả nền kinh tế Nga.
Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2015 được đưa ra trên cơ sở các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ. Vì vậy, nếu cuộc chiến thương mại với phương Tây vẫn tiếp diễn thì Bộ Phát triển Kinh tế Nga buộc phải soạn thảo lại dự báo, đồng thời có tính tới các hậu quả tiêu cực có thể xuất hiện muộn hơn ở giai đoạn 2016-2017.
Mặc dù Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Aleksey Ulyukaev tin rằng nền kinh tế Nga đủ sức trụ vững trước những cú "sốc" mạnh nhất, song ông cũng không quên cảnh báo triển vọng đầu tư nước ngoài giảm, thu nhập thực tế người dân giảm, lạm phát tăng và có nguy cơ sẽ phải sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia để chống "sốc" cho nền kinh tế.
Về các biện pháp trừng phạt, Bộ Phát triển Kinh tế tin rằng Nga có đủ nguồn dự trữ để bù đắp cho các tổn thất phải hứng chịu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, các quan chức kinh tế Nga thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt mạnh tay có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính và kiềm chế việc hiện đại hóa công nghệ, do các hạn chế đối với nhập khẩu công nghệ và đầu tư.
Thảm họa giá dầuLỗ hổng lớn nhất trong chiến lược kinh tế của Nga là tập trung vào xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ (chủ yếu sang thị trường châu Âu) và coi đây là "động lực tăng trưởng". Điều này dẫn đến sự phụ thuộc của Nga vào giá xuất khẩu năng lượng cao và thị trường phương Tây.
Sự dễ tổn thương này của kinh tế Nga đang được thể hiện rõ nét khi giá dầu thế giới giảm mạnh, trong khi Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực như công nghệ khai thác dầu, thiết bị và liên doanh của Nga với các tập đoàn phương Tây.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg |
Bộ trưởng Tài chính Siluanov thừa nhận giá dầu và nguồn thu từ dầu mỏ giảm là điều đáng lo ngại hơn lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngân sách, nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga. Bộ trưởng Siluanov ước tính Nga thiệt hại tới 90-100 tỷ USD do giá dầu giảm hơn 30% kể từ đầu năm nay.
Do một nửa nguồn thu của Nga là từ dầu mỏ nên cán cân thanh toán của nước này rất dễ bị tổn thương trước sự sụt giảm về giá. Thêm vào đó, ngân sách của Nga được tính toán trên giá dầu ở mức 96 USD/thùng, nhưng giá dầu thô đã giảm từ mức khoảng 115 USD/thùng xuống dưới 70 USD/thùng. Theo tính toán của các nhà phân tích, nếu giá mỗi thùng dầu giảm 1 USD thì nguồn thu từ xuất khẩu dầu sẽ mất 3 tỷ USD.
Ngân sách Nga vốn chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Giới chuyên gia cho rằng giá dầu thấp có thể là nguyên nhân gây ra tác động xã hội ở Nga. Hiện nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ nói riêng, tài nguyên nói chung đang chiếm đến hơn 50% ngân sách.
Nói một cách hình tượng, một công nhân khai thác dầu của Nga đang phải gánh nghĩa vụ xã hội cho khoảng 900 người, mức cao nhất trên thế giới. Vì vậy, khi lĩnh vực dầu khí suy yếu, nguồn thu ngân sách sụt giảm, dẫn tới an sinh xã hội không được bảo đảm và có thể gây ra bất ổn xã hội.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ulyukaev khẳng định kinh tế Nga sẽ không sụp đổ trước bối cảnh giá dầu giảm giá mạnh và sẽ điều chỉnh giá hoà vốn để cân đối ngân sách cho năm tới.
Trên thực tế, mức giá 80 USD/thùng vẫn đang khá cao so với năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra và giá dầu chỉ ở mức 18 USD/thùng, hay thời điểm năm 2000 khi giá dầu dao động ở mức 30 USD/thùng.
Thả nổi đồng rúpGiá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu và dòng vốn đầu tư vào nước này, mà còn làm đồng rúp mất hơn 30% giá trị so với đồng USD trong năm nay.
Thậm chí trong phiên 1/12 đồng rúp có lúc giảm gần 9% xuống còn 53,9 rúp/USD. Riêng trong tháng Mười vừa qua Ngân hàng Trung ương Nga đã phải chi gần 30 tỷ USD để ngăn chặn tình trạng mất giá quá mạnh của đồng nội tệ và tính từ đầu năm khoảng 70 tỷ USD đã được trích từ nguồn ngoại tệ dự trữ để dùng cho mục đích này.
Trước tình hình đó ngày 10/11 Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) tuyên bố sẽ thả nổi hoàn toàn đồng rúp, với việc bãi bỏ việc áp dụng biên độ giao dịch hàng ngày của đồng tiền này cũng như chấm dứt những can thiệp thường xuyên vào thị trường, và chỉ can thiệp nếu sự ổn định tài chính bị đe dọa.
Như vậy, với việc chính thức dỡ bỏ hành lang ngoại hối đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau từ năm 1995 tới nay, BoR đã hoàn tất quá trình chuyển sang chính sách thả nổi đồng rúp, và quyết định được đưa ra sớm hơn hai tháng so với dự kiến là vào ngày 1/1/2015.
Việc BoR chấm dứt can thiệp vào thị trường tiền tệ còn liên quan đến dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Lượng dự trữ của Nga hiện nay là 400 tỷ USD, dù đã giảm từ mức 510 tỷ USD vào đầu năm, vẫn là khá lớn nhưng nước này cần một nguồn đệm để chống lại tình trạng thoái vốn trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến nợ nước ngoài tăng cao, kinh tế trì trệ và lạm phát cao. Trong 10 tháng đầu năm nay, số vốn bị rút khỏi Nga là 110 tỷ USD và đến cuối năm 2014, con số này có thể lên đến ít nhất là 120 tỷ USD.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đánh giá quyết định thả nổi tỷ giá của BoR là đúng, khi khiến cho những kẻ đầu cơ không thể trục lợi, trong lúc bảo vệ được dự trữ ngoại tệ quốc gia. Ông nói nếu BoR còn tiến hành các biện pháp để hỗ trợ hay kiểm soát đồng rúp thì giới đầu cơ còn dựa vào đó để kiếm lời.
Theo ông, tỷ giá của đồng rúp vẫn do BoR kiểm soát một phần, nhưng trước hết phải do thị trường quyết định. Thống đốc Elvira Nablulina đánh giá các thị trường vẫn ổn định, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục hoạt động bình thường, cho thấy hệ thống tài chính của Nga hiện đã mạnh hơn so với những năm trước và được chuẩn bị tốt hơn trước các cú "sốc" về giá dầu.
Nỗ lực vượt lên
Dù kinh tế Nga dễ bị tổn thương do những tồn tại trong mô hình tăng trưởng nhiều năm qua, song không phải Nga không có nguồn lực và năng lực để chống lại áp lực trừng phạt kinh tế từ phương Tây, cũng như để bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy nền kinh tế của nước này.
Việc cần làm đầu tiên và quan trọng nhất là Nga phải đa dạng hóa nền kinh tế, trong đó trước hết phải công nghiệp hóa các ngành sản xuất nguyên vật liệu và đầu tư mạnh vào sản xuất máy móc công nghệ nhằm thay thế nhập khẩu từ phương Tây.
Trong khi tăng cường hợp tác thương mại với Trung Quốc và các nước châu Á khác là một bước đi tích cực, Nga đồng thời phải xác định tăng cường trao đổi thương mại hàng hoá dịch vụ mới là quan trọng, chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trong quan hệ thương mại với các nước.
Theo các chuyên gia, “sự trả đũa” tốt nhất đối với phương Tây là một sự “xoay trục sang châu Á” và sang các nền kinh tế mới nổi khác nhằm tăng cường các mối quan hệ tài chính và thương mại của Nga với các quỹ đầu tư quốc gia và các công ty công từ các nước châu Á, Mỹ Latinh và Arập. Chuyến thăm gần đây của Tổng thống Vladimir Putin đến Trung Quốc là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
Ngoài ra, Nga phải xem xét tái quốc hữu hóa một số ngành như ngân hàng, ngoại thương và các ngành công nghiệp chiến lược, thay vì để những ngành này rơi vào tay giới tài phiệt tư nhân như hiện nay. Chính quyền Tổng thống Putin phải dần dần chuyển việc quản lý và phát triển kinh tế sang cho những nhà kỹ trị có chuyên môn cao, thay vì để cho giới tài phiệt lũng đoạn và có xu hướng làm ăn đầu cơ (ra nước ngoài) thay vì đầu tư trong nước.
Thêm vào đó, Nga cần phải có một cuộc cách mạng về kinh tế với mục tiêu hướng tới một nền sản xuất có hiệu quả, công bằng, trong đó vấn đề then chốt là phải tiến hành công nghiệp hoá toàn diện và đa dạng hoá nền kinh tế, tăng cường quản lý đối với những ngành công nghiệp quan trọng của đất nước và đổi mới công nghệ.
Hoàng Hà