Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh hơn khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Cụ thể, nền kinh tế ở Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ đạt tăng trưởng 4,8% trong năm nay và giảm xuống còn 4,5% trong năm 2022, cao hơn so với dự báo đưa ra vào mùa Xuân, lần lượt là EU - 4,2% và Eurozone - 4,3%, trong khi tốc độ năm 2022 là 4,7%. Tốc độ tăng trưởng GDP thực được dự báo sẽ trở lại mức trước khi khủng hoảng vào quý cuối cùng của năm 2021 ở cả EU và Eurozone. Đối với Eurozone, điều này diễn ra sớm hơn một quý so với dự kiến trong dự báo mùa Xuân.
Yếu tố đầu thúc đẩy tăng trưởng là hoạt động trong quý đầu tiên của năm đã vượt hơn mong đợi. Thứ hai, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cùng các biện pháp phòng dịch hiệu quả khiến số ca nhiễm mới và nhập viện giảm mạnh, cho phép các nước thành viên EU mở cửa trở lại nền kinh tế. Tiêu dùng và đầu tư tư nhân dự báo cũng là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và phục hồi việc làm.
Dự báo tỷ lệ lạm phát năm nay và năm sau đã được điều chỉnh cao hơn. Giá năng lượng và hàng hóa tăng cao, sản xuất khó khăn do hạn chế về công suất và sự thiếu hụt một số linh kiện và nguyên liệu đầu vào, cũng như nhu cầu tăng mạnh cả trong và ngoài nước dự kiến sẽ gây áp lực đối với việc tăng giá tiêu dùng trong năm nay. Tuy nhiên, vào năm 2022, những áp lực này sẽ giảm dần khi các hạn chế sản xuất được giải quyết và cung cầu hội tụ.
Theo đó, lạm phát ở EU hiện được dự báo ở mức trung bình 2,2% trong năm nay và 1,6% năm 2022. Tại Eurozone, lạm phát được dự báo ở mức trung bình 1,9% vào năm 2021 và 1,4% trong năm 2022.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn và những rủi ro xung quanh triển vọng tăng trưởng vẫn còn cao, nhưng về tổng thể là cân bằng. Các rủi ro kinh tế đặc biệt liên quan đến phản ứng của các hộ gia đình và doanh nghiệp đối với những thay đổi của các hạn chế. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát có thể cao hơn so với dự báo, nếu các hạn chế về nguồn cung kéo dài hơn và áp lực giá được chuyển sang giá tiêu dùng mạnh hơn.