Con số trên thể hiện rõ nỗ lực của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu để có thể duy trì ổn định hoạt động thông quan hàng hóa, cũng như tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Tỉnh Lạng Sơn hiện có 6 cửa khẩu có hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa là cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Cốc Nam, cửa khẩu Na Hình và cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng. Hoạt động thông quan hàng hóa sôi động và ổn định nhất vẫn là hai cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô xe máy, hoa quả tươi, máy móc thiết bị phụ tùng gia dụng, linh kiện máy vi tính sản phẩm điện tử, hàng tạp hóa…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, Chi cục Hải quan các cửa khẩu của Lạng Sơn đã luôn có sự phối hợp tốt và nhịp nhàng với các lực lượng chức năng khác để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là mặt hàng nông sản của Việt Nam khi vào vụ thu hoạch.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma Lương Văn Thơ, trong quá trình làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu, chi cục đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh từ doanh nghiệp, phối hợp có hiệu quả với lực lượng biên phòng, kiểm dịch để hàng hóa thông quan thuận lợi. Thời gian tới, cửa khẩu Chi Ma sẽ thực hiện mô hình Cửa khẩu số, khi đó thời gian thông quan sẽ nhanh hơn, xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ thuận lợi hơn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh Phùng Văn Ba cho biết, từ đầu năm đến nay, khi các biện pháp phòng chống dịch COVID -19 được nới lỏng, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh có xu hướng tăng lên, đặc biệt là hàng xuất khẩu tăng mạnh trên 200% so với cùng kỳ năm 2022.
Để đạt được kết quả trên, cơ quan hải quan đã cùng các lực lượng địa bàn tăng cường điều tiết hàng hóa lưu thông thuận lợi, tăng cường tháo gỡ vướng mắc thủ tục hải quan, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu phía nước bạn để tuyên truyền kịp thời cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc xóa bỏ phương thức giao nhận hàng hóa “không tiếp xúc”, cắt container, cắt moóc và giao hàng ngay trên biên giới, khôi phục xuất nhập khẩu bình thường trở lại từ đầu năm 2023 đã giúp cho doanh nghiệp và lực lượng chức năng các cửa khẩu giảm được thời gian làm thủ tục, nâng hiệu suất thông quan và cũng như giảm được nhiều chi phí khác cho doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi an toàn, các lực lượng biên phòng, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế và doanh nghiệp kinh doanh bến bãi đã tăng cường chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kho bãi; tăng cường lực lượng điều tiết phương tiện khu vực cửa khẩu, hướng dẫn lái xe hàng xuất nhập khẩu dừng đỗ đúng nơi quy định, không để xảy ra các xung đột giao thông tại khu vực cửa khẩu; hướng dẫn lái xe và người ra vào cửa khẩu thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo thông quan nhanh nhất cho hàng hóa qua biên giới…
Theo thiếu tá Trần Văn Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, đơn vị đã chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể, bố trí con người, phương tiện, cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện tốt nhất; chủ động xử lý nhanh những vấn đề phát sinh trong khu vực cửa khẩu.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho hay, để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được thông suốt, Ban Quản lý đã tăng cường trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để cùng phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tăng cường cử cán bộ, nhân viên thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, cập nhật thông tin để có những phương án xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cửa khẩu, không ảnh hưởng đến năng lực thông quan tại các cửa khẩu.