Kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp

Theo ông Đỗ Văn Khê, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn thấp nên chưa đủ sức răn đe.

Chú thích ảnh
Tiêu hủy hàng hóa và phân bón giả tịch thu thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Chẳng hạn tại điểm a, b, c Khoản 1, Điều 11, Mục 2 của  Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định mức xử phạt về hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng chỉ từ 500.000 - 5 triệu đồng đối với trường hợp hàng giả tương đương số lượng của hàng thật có giá trị dưới 5 triệu đồng. Điều này đã làm các cơ sở kinh doanh lách luật, chỉ trưng bày ở cửa hàng kinh doanh số lượng sản phẩm rất ít, nên khi bị lực lượng chức năng phát hiện vi phạm thì giá trị lô hàng kiểm tra thấp, theo đó mức xử phạt cũng rất thấp.

Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh kiến nghị UBND tỉnh trình Chính phủ sửa đổi nâng mức phạt vi phạm hành chính thấp nhất là 5 triệu đồng đối với các vi phạm được quy định tại Mục 2 về hành vi kinh doanh dịch vụ cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.

Cùng với việc tăng mức chế tài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Đồng thời, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng vận động người dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc…

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở sản xuất phân bón, gần 400 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản, hơn 600 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và gần 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản.

Thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận vi phạm các quy định của pháp luật. Mặt khác ý thức của người tiêu dùng chưa cao trong việc chọn mua sản phẩm có chất lượng, chọn mua ở những nơi bán hàng uy tín; tâm lý chuộng giá rẻ, không chú ý đến chất lượng đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Cùng với đó, một số lĩnh vực chế tài xử lý còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương trong tỉnh chậm xây dựng nên việc tham mưu quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế...

Từ năm 2016 đến cuối tháng 6/2018, các lực lượng chức năng đã tổ chức thanh tra chuyên ngành về giống thuỷ sản, vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm tại hơn 2.000 lượt tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Qua đó, phát hiện các vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 277 trường hợp, với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu như: kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, thuốc bảo về thực vật, phân bón giả không có giá trị sử dụng công dụng, không đạt chất lượng so với công bố áp dụng; kinh doanh sản phẩm vi phạm quy định nhãn hàng hoá, hết hạn sử dụng và không có chứng chỉ hành nghề kinh doanh; kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản không có trong danh mục được phép lưu hành...

Thanh Hoà (TTXVN)
Cần kiên quyết xử lý hình sự hành vi sản xuất phân bón giả
Cần kiên quyết xử lý hình sự hành vi sản xuất phân bón giả

Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp và liệu có được xử lý tận gốc khi Nghị định 108/2017/NĐ-CP ra đời thay thế cho Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN