Phân bón giả được lực lượng chức năng đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Để chấn chỉnh tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi thuỷ sản đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để nâng cao đạo đức kinh doanh và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.
Ngành cũng tổ chức kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp. Cùng với việc xử phạt các hành vi vi phạm, ngành công bố công khai các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi thủy sản giả, kém chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh cũng duy trì hoạt động tiếp nhận thông tin của người dân thông qua đường dây nóng để xử lý kịp thời hành vi vi phạm.
Ông Phạm Hoàng Việt, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về phân bón. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nên giới hạn số lượng sản phẩm đối với các công ty sản xuất vì tình trạng sản xuất tràn lan của một số công ty gây khó khăn cho sự lựa chọn của người tiêu dùng và công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, thường xuyên cập nhật danh mục sản phẩm vật tư nông nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam để lực lượng chức năng địa phương thuận tiện việc tra cứu.
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh, tình hình sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp thủ đoạn, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng gây thiệt hại kinh tế cho nông dân và tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong số 69 mẫu phân bón và thức ăn chăn nuôi thuỷ sản được lấy mẫu thử nghiệm, lực lượng chức năng đã phát hiện 21 mẫu (chiếm trên 30%) là hàng giả không có giá trị sử dụng công dụng và 13 mẫu là hàng kém chất lượng; xử phạt nộp ngân sách tổng số tiền gần 765 triệu đồng.
Cụ thể, có 4/40 mẫu phân bón được kiểm tra là hàng giả, 12/40 mẫu phân bón là hàng kém chất lượng; các cá nhân liên quan bị xử phạt tổng số tiền gần 370 triệu đồng. Ngoài ra, có 17/29 mẫu thức ăn chăn nuôi là hàng giả và 1/29 mẫu thức ăn chăn nuôi là hàng kém chất lượng; các cá nhân liên quan bị xử phạt tổng số tiền hơn 395 triệu đồng.
Ngoài việc gây thiệt hại đến sản xuất của nông dân, vật tư nông nghiệp giả còn ảnh hưởng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tổn hại sức khoẻ cộng đồng. Cùng với đó là ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng vì tồn dư chất kháng sinh và hoá chất cấm. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực này gặp khá nhiều khó khăn.
Bởi theo quy định về quản lý phân bón, khi lưu thông phân bón trên thị trường, chất lượng phân bón phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ lại chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật về phân bón. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thuốc thú y thuỷ sản, tỉnh có 257 cơ sở kinh doanh nhưng chỉ có 1 cơ sở sản xuất. Do vậy, các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thuỷ sản lưu thông trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do các công ty ngoài tỉnh sản xuất nên lực lượng chức năng tỉnh Trà Vinh gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý tận gốc đối với các hành vi vi phạm.